Dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) tiếp tục vào ròng tại Việt Nam
Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về quy mô và thanh khoản. Theo báo cáo từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng Sáu, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu đạt khoảng 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 78% GDP ước tính năm 2018.
Hòa chung dòng chảy đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) liên tục vào ròng trên thị trường chứng khoán và trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018).
Điểm đáng ghi nhận, trong bối cảnh tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu biến động mạnh khiến các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và thị trường cận biên thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng với giá trị dòng vốn FII đạt 1,28 tỷ USD (6 tháng đầu năm).
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng “Với các nhà đầu tư quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. Vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai,”
Về thu hút vốn đầu tư gián tiếp trong bối cảnh tận dụng các cơ hội từ EVFTA, ông Dũng thừa nhận, các tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư châu Âu là rất cao và chuyên nghiệp.
“Nhưng, với lợi thế và tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu cơ hội. Do đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ đến với những thị trường giàu tiềm năng, có chính sách vĩ mô ổn định và tính chuyên nghiệp cao, khả năng bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tốt,” ông Dũng tin tưởng.
Thu hút vốn đầu tư có chọn lọc
Để thu hút được sự quan tâm từ cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư Anh nói riêng và EU nói chung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thông điệp của Chính phủ Việt Nam luôn kiên định chính sách chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế cao với nỗ lực hiện thực hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (giai đoạn 2016 – 2020) GDP bình quân 6,% - 7%/năm đi cùng phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch.
“Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, tiếp tục tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc....Một trong những điểm nhấn của các hội nghị xúc tiến đầu tư, bao gồm cả sự kiện tại London đó là đối thoại chính sách trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ký hợp tác với Hiệp hội Kế toán viên và Công chứng viên Anh trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại Anh Quốc. (Ảnh: BTC/Vietnam+) |
Cơ hội “vàng” của Việt Nam
Đánh giá về thị trường vốn tại Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital cho rằng, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam thực tế đã tăng cao hơn nhiều so với con số Chính phủ đặt ra. Và, đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam đạt cùng lúc 3 mục tiêu về xử lý những bất cập giữa luật Chứng khoán và một số luật khác, xử lý sự phân biệt xếp hạng thị trường cận biên của Việt Nam so với các thị trường mới nổi như Thái Lan, Philiphine, Indonesia và cuối cùng là cân đối các vấn đề về rủi ro và hiệu quả trong giao dịch.
Trong năm 2018, thị trường chứng khoán có kết quả tăng trưởng tốt và bền vững, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tăng 11%, vốn hóa thị trường trái phiếu của chúng ta tăng trưởng 22%. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã thể hiện độ mở tương đối lớn với việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn trên nhiều lĩnh vực và chỉ có một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị hạn chế.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước cũng cho hay, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp chính sách nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ mức cận biên nên thị trường mới nổi. Về mặt định lượng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đảm bảo các điều kiện, song về định tính vẫn tồn tại một số vấn về mở cửa thị trường cũng như tính minh bạch trong công bố thông tin.
Để giải quyết những vấn đề này, trong tháng Ba, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” với mục tiêu cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán thật sự trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, khóa XIV với nhiều điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng hoàn thiện chính sách để thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Nguồn: Vietnamplus.vn