Sau hai tháng khởi công, dự án Khu du lịch Xuân Thiều do Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đầu tư 100 triệu USD đã dần thay đổi từng ngày. Tại khu vực dự án, không khí thi công trên công trình luôn rộn ràng. Nhiều đơn vị thi công đưa các loại phương tiện máy móc vào làm việc nhằm biến khu vực phía tây bắc thành phố thành trung tâm du lịch, dịch vụ mới, cân bằng với vùng biển phía đông đang dần quá tải áp lực hạ tầng.
Với dự án Nam Ô Lancaster Resort, ngày 24-6 vừa qua, Công ty CP tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group - TTG) cho biết, theo chủ trương của thành phố, TTG đã trình phương án điều chỉnh diện tích và quản lý ghềnh đá cùng đề án phát triển kinh tế cộng đồng. TTG tuyển dụng hơn 40 người dân Nam Ô làm bảo vệ, làm vườn, dọn vệ sinh; cam kết khi dự án hoạt động sẽ tuyển dụng 200 người địa phương; bố trí điểm tập kết để quận Liên Chiểu chọn 20 thuyền thúng ngư dân chở khách tham quan tạo thu nhập với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng/thúng… TTG còn đầu tư phục hồi, phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô tạo đầu ra nhờ hệ thống trạm dừng TTG toàn quốc đưa khách tham quan.
Với dự án Khu nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp Làng Vân, UBND thành phố đã ký thỏa thuận nguyên tắc cho Công ty CP Vinpearl (Vingroup) đầu tư từ tháng 10-2011, quy mô 5 tỷ USD và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, đến tháng 8-2016, UBND thành phố mới cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án với diện tích hơn 1.000 ha (60% đất, 40% mặt nước) trong 50 năm.
Theo đó, Công ty CP Vinpearl dự kiến đầu tư 3.000 tỷ đồng xây khách sạn, bãi tắm, thể thao biển, giải trí... Tháng 11-2018, chủ đầu tư đề nghị UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch, dùng một phần diện tích cho khu đô thị cao cấp kết hợp du lịch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi được cấp phép, đến nay Công ty CP Vinpearl đã nộp 200 tỷ đồng với quyết tâm thực hiện và dự án đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Vướng mắc lớn nhất của dự án là vị trí dự án đang chờ Bộ Quốc phòng xem xét; đồng thời gặp trở ngại về quy hoạch như: điều chỉnh tách phần đất rừng khỏi dự án, tách dự án khỏi đường sắt… nên quá trình tháo gỡ kéo dài. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang làm đầu mối, tập hợp ý kiến cơ quan chuyên ngành về điều chỉnh mục đích sử dụng đất, nhất là đất rừng, đánh giá lại giá đất từng phân khu, hiện trạng hạ tầng giao thông, xúc tiến nhanh nhằm hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án.
Các dự án vừa hoàn thành và đang triển khai xây dựng làm cho diện mạo đô thị của quận Liên Chiểu khởi sắc, tạo ra nhiều dư địa để phát triển về kinh tế với các ngành du lịch - dịch vụ, sản xuất công nghiệp CNTT, thương mại. “Cửa ngõ” đô thị phía bắc thành phố đang thực sự chuyển mình và là thỏi nam châm trong thu hút đầu tư phát triển Đà Nẵng.
Nguồn: Báo Đà Nẵng - Triệu Tùng