Những con số đầy hứa hẹn
Thông tin về tình hình thu hút đầu tư vào thành phố trong quý I năm 2019, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 1 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 1.823,6 tỷ đồng; có 32 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 355,84 triệu USD (cùng kỳ có 15 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,352 triệu USD); có 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 114,4 triệu USD; có 53 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế Việt Nam. Lũy kế đến nay, thành phố có 323 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 97.699,6 tỷ đồng và 716 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,35 tỷ USD.
Quý I năm 2019, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.023 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.387 tỷ đồng; tăng 16,9 % về số doanh nghiệp và tăng 38,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 27.577 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 169.556 tỷ đồng.
Tính riêng trong Khu công nghệ cao (Khu CNC), ông Phạm Trường Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý), cho biết, đầu năm 2019, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, vốn đầu tư 170 triệu USD của tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) đầu tư. Đây là dự án lớn được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Tọa đàm mùa xuân 2019 của thành phố Đà Nẵng, đã tạo tiếng vang và góp phần quảng bá hình ảnh Khu CNC Đà Nẵng. Lũy kế đến nay, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư là 560 triệu USD. Trong đó, có 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 256 triệu USD; 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 5.272 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, đã có 3 dự án, gồm Tokyo Keiki Precision Technology, NIWA Foundry Co. Ltd. và Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông, đi vào hoạt động; các dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư.
Đối với 6 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, trong quý I năm 2019 đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới đối với 3 dự án, gồm: dự án Key Tronic, với tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD; dự án sản xuất và lắp ráp ô tô các loại, với tổng vốn đầu tư là 6 triệu USD; dự án Nhà máy chế tạo, gia công các loại ống xả, với tổng vốn đầu tư tăng là 7 triệu USD. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng đối với 2 dự án: Sản xuất, lắp ráp ô tô Nissan với tổng vốn đầu tư tăng là 50 triệu USD, Sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, với tổng vốn đầu tư tăng là 30 triệu USD. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút 462 dự án, trong đó có 342 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 19.134,1 tỷ đồng và 120 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1.161,1 triệu USD.
Các dự án được cấp phép đang tích cực triển khai
Tại Tọa đàm Mùa Xuân 2019, thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án mới và 3 dự án mở rộng đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động; trong đó, có 1 dự án cấp mới là dự án Mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều với tổng vốn 103 triệu USD tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, và 1 dự án tăng vốn là dự án Tháp ven sông với tổng vốn đầu tư đăng ký 56,387 triệu USD, thực hiện ngoài các KCN, Khu CNC.
Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, đối với dự án Mở rộng Khu Du lịch Xuân Thiều, hiện nay chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục hành chính và đã khởi công xây dựng dự án. Dự kiến, hoàn thành triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 1-2025. Nhà đầu tư dự án Tháp Ven Sông đang hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn theo dõi, thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp triển khai dự án và kịp thời báo cáo UBND thành phố xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng dự án.
Một trong những điểm sáng của thu hút đầu tư năm 2019 là dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC, Hoa Kỳ) đầu tư, đã khởi công vào ngày 28-3-2019, chưa đầy 1 tháng sau khi được cấp phép, và hiện đang được tích cực triển khai thi công, dự kiến hoàn thành đúng theo tiến độ cam kết. Đây là dự án sản xuất, cung cấp sản phẩm linh kiện cho lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ, một lĩnh vực mới trong cơ cấu các ngành công nghiệp tại Đà Nẵng. Dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút và sử dụng lực lượng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, trong đó nhà đầu tư quan tâm đến nguồn lao động kỹ thuật từ các trường đại học trên địa bàn thành phố
Ngoài ra, đến thời điểm hiện nay, dự án Key Tronic, với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, chuyên sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, đã triển khai việc xây dựng, cải tạo nhà xưởng và lắp đặt thiết bị; dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8-2019. Sản xuất các sản phẩm đèn báo hiệu ô tô dùng để xuất khẩu (như đèn tín hiệu ưu tiên dùng cho xe cảnh sát, xe ưu tiên; báo hiệu đường bộ),dự án đi vào hoạt động sẽ có quy mô sản xuất 100 triệu sản phẩm/năm.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, cho biết, với chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã xác định 5 nhóm giải pháp kêu gọi đầu tư, đồng thời hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; chuẩn bị thủ tục, xúc tiến các dự án trọng điểm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn, kịp thời.
Đối với các dự án đã được trao Thông báo cho phép nghiên cứu dự án, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành xây dựng lộ trình triển khai gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước của từng sở, ban, ngành với thời gian giải quyết cụ thể. Để giám sát việc thực hiện, trước mắt UBND thành phố sẽ lập Tổ theo dõi, giám sát với thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và trong dài hạn, thành phố sẽ xây dựng một phần mềm quản lý liên thông về đầu tư để theo dõi, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đã ký kết tại Tọa đàm mùa xuân 2019.
Thông tin thêm về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Tuấn cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thành phố đã có nhiều chính sách “tiếp sức” cho doanh nghiệp, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp hướng đến mục tiêu Đà Nẵng có 30 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020; tập trung xây dựng Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thí điểm các buổi lãnh đạo thành phố tiếp doanh nghiệp hằng tháng, hằng quý…
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai rộng rãi, đồng bộ, có hiệu quả mô hình dịch vụ trả kết quả hồ sơ tận nhà cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thành phố. Đến nay đã có 63.305 hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả qua dịch vụ chuyển phát nhanh của Bưu điện thành phố Đà Nẵng. Đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng (trả hồ sơ trong vòng 1-2 ngày làm việc so với 3 ngày làm việc đối với hồ sơ bình thường); thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Thời gian qua, thành phố đã tiến hành rà soát đất trong khu công nghiệp trên phạm vi toàn thành phố, triệt để thu hồi đất của các dự án trong khu công nghiệp không triển khai hoặc không có kế hoạch triển khai xây dựng để giao cho nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án; công khai quỹ đất ngoài khu công nghiệp, quỹ đất đấu giá trên Cổng thông tin điện tử thành phố, trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố để Doanh nghiệp được biết tham gia đấu giá. Trong năm 2018, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cấp thẩm quyền phê duyệt và ký kết hợp đồng tín dụng cho vay 9 dự án với tổng mức cho vay khoảng 420 tỷ đồng. Thành phố cũng tổ chức nhiều chương trình kết nối cung – cầu sản phẩm, các Hội nghị kết nối doanh nghiệp, diễn đàn doanh nghiệp, tư vấn sản phẩm, đối tác và ký kết hợp đồng kinh tế của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khẳng định xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ, ông Phạm Trường Sơn cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để thu thập các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác cải cách hành chính, từ đó rút ngắn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính khi hoạt động trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp; xây dựng và ban hành Quy trình cấp, điều chỉnh, chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ đầy đủ các thông tin cho các nhà đâu tư mới muốn đầu tư từ lựa chọn địa điểm đầu tư, đăng ký đầu tư, các thủ tục sau khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư cũng như sau khi hoạt động. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã ban hành quy trình giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo xử lý kịp thời, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng - Ngô Huyền