Theo đó, đối với trường hợp đề nghị cấp lần đầu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị.
- Bản thuyết minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm vệ sinh ATTP.
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP/Giấy xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Như vậy, hồ sơ cấp lần đầu không còn yêu cầu nộp GCN đăng ký kinh doanh/GCN đăng ký doanh nghiệp/GCN đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm so với quy định hiện hành tại Thông tư 58/2014/TT-BCT ngày 22/12/2014.
Quy trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm lần đầu cụ thể như sau: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc; Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở trong 10 ngày làm việc, từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; Tiến hành thẩm định thực tế tại cơ sở về tính pháp lý của hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở; thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận là 05 ngày, từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”.
Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận bị mất, bị hỏng, thời hạn cấp lại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp lại phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.