Theo đó, quyết định thành lập khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc quyết định chủ trương đầu tư).
Đối với khu kinh tế, việc thành lập, mở rộng khu kinh tế phải xin quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ thành lập khu kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng ra quyết định sau 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi cho địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ riêng đối với khu công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể: Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ được miễn, giảm tiền thuê đất; hưởng ưu tiên vay vốn của Nhà nước; được Chính phủ bảo lãnh để huy động vốn nước ngoài; hưởng ưu đãi về thuế; được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống, chỉ người nước ngoài (gồm nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia) được tạm trú trong trường hợp cần thiết.
Việc tạm trú của người nước ngoài phải đáp ứng điều kiện sau:
- Để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Không kèm theo gia đình và người thân;
- Phải tuân thủ thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú theo quy định hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
- Nơi ở của nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia nước ngoài phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; cam kết đảm bảo an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/07/2018.