Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (giữa) chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo là hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các đối tác hỗ trợ; chuyên gia quốc gia và địa phương; và hơn 30 nhà đầu tư, tổ chức quốc tế và trong nước quan tâm đến dự án.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, trung bình mỗi ngày, thành phố có khoảng 850-900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng hình thức chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Với khối lượng như vậy, bãi rác Khánh Sơn hiện tại sẽ đạt đến công suất thiết kế vào giữa năm 2020 và thành phố đang thực hiện các giải pháp cần thiết để tối ưu hóa khả năng hiện tại của khu chôn lấp này. Ông cũng thừa nhận, tỷ lệ phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố hiện vẫn chưa cao, dẫn đến lãng phí tài nguyên rác, giảm tuổi thọ bãi rác, tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn sinh hoạt tại Đà Nẵng có hàm lượng chất hữu cơ và độ ẩm cao dẫn đến nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, xử lý và dễ gây nguy hại đến môi trường. Thực trạng này đặt ra cho Đà Nẵng nhiều thách thức về việc cung ứng hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải rắn.
Chính vì vậy, mục tiêu đề ra của Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố là xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị có tính bền vững với công suất ban đầu tối thiểu là 1.000 tấn/ngày, và có thể mở rộng trong tương lai; với giải pháp/công nghệ xử lý phù hợp nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của chất thải rắn đối với môi trường, và có thể đạt được các mục tiêu của Đà Nẵng về xử lý chất thải rắn vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được UBND thành phố triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), do ADB là đơn vị tư vấn, chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu nhằm chọn ra nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn xử lý chất thải rắn cho thành phố.
Hiện thành phố đã xác định 2 địa điểm tiềm năng để triển khai dự án, bao gồm: Bãi rác Khánh Sơn hiện tại (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), sẽ được mở rộng diện tích với quy mô 25,7 ha; và đầu tư xây mới tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với quy mô 120 ha, khi đó sẽ đóng cửa bãi rác hiện có tại Khánh Sơn.
Tại hội thảo, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các chuyên gia, tổ chức tư vấn đã thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án về xử lý chất thải rắn tại một số địa phương trong và ngoài nước; trao đổi về các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn; và tham vấn các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, chuyên gia, nhà đầu tư cho trường hợp đầu tư vào dự án của Đà Nẵng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, hội thảo lần này là cơ sở quan trọng để thành phố có nhiều thông tin hơn để xem xét, giúp cho công tác tổ chức đấu thầu công khai nhằm lựa chọn các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp. Ông cũng đồng thời khẳng định, thành phố sẽ ưu tiên thu hút các hồ sơ đầu tư đảm bảo cao nhất về công nghệ để giải quyết vấn đề môi trường và phù hợp với khả năng của thành phố; đi đôi với đó, chính quyền thành phố sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, tốt nhất và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ và công bằng với tất cả các nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị ADB tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giúp thành phố tổ chức tốt công tác thăm dò thị trường, lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, và làm việc với các nhà đầu tư quan tâm để xây dựng một dự án đảm bảo mong đợi của chính quyền và nhân dân thành phố.
Trước đó, trong ngày 28-5, BQL các dự án đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị đã chủ trì, phối hợp với Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng tổ chức chuyến tìm hiểu thực địa tại 02 địa điểm dự kiến triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng bao gồm Bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và Khu vực xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) dành cho các đối tác quan tâm.
(danang.gov.vn)