Thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất ASEAN
Dễ thấy rằng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển các ngành tiêu dùng nhất, với dân số trên 93 triệu người, 1/3 dân số ở độ tuổi dưới 40, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 6%, đô thị hóa tăng mạnh, smartphone và mạng Internet ngày càng phổ biến.
Tại Hội nghị Vietnam Access Day, các nhà đầu tư quốc tế đã thảo luận chuyên sâu về tiềm năng thị trường Việt Nam |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị Vietnam Access Day, ông Michel Tosto, Giám đốc điều hành Giao dịch chứng khoán - khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến những ngành hưởng lợi từ tăng trưởng tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Nhà đầu tư hào hứng với các doanh nghiệp tư nhân đã niêm yết và cả những công ty chuẩn bị IPO trong ngành thực phẩm, bán lẻ, công nghệ số, hàng không, du lịch, xăng dầu, ngân hàng và bất động sản.
“Trước đây, nhiều khách hàng nói với tôi rằng, họ chưa quan tâm đến Việt Nam vì thị trường này quy mô chưa lớn. Thế nhưng, giờ đây họ đã thực sự tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam vì tiềm năng tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô ổn định và tỷ giá bình ổn. Theo tôi, đây là tín hiệu rất tốt”, ông Tosto chia sẻ. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong việc thu hút vốn “khủng” từ nước ngoài gần đây có Vietjet Air, Vincom Retail, Techcombank hay VPBank.
Hội nghị đầu tư Vietnam Access Day thu hút sự tham dự của hơn 280 quỹ đầu tư đến từ 24 quốc gia, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, các diễn giả và nhà đầu tư quốc tế đã thảo luận chuyên sâu về tiềm năng của thị trường Việt Nam trong khu vực ASEAN, các ngành nghề hấp dẫn, sự trỗi dậy của nền kinh tế số, cũng như các vấn đề pháp lý khi đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Ian Gisbourne, Giám đốc Nghiên cứu khu vực ASEAN của Ngân hàng UBS, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực chuyển hướng sang thị trường Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, Nhật Bản đã vượt Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 9,11 tỷ USD. Đua với nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã “chi bạo” nhằm sở hữu hàng loạt doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam như Bia Sài Gòn, Nguyễn Kim hay Nhựa Bình Minh.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua tăng trưởng khá mạnh, P/E đã gần với mức của khu vực, dẫn đến các công ty Việt không còn quá rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại. Thế nhưng, chuyện giá cả không quan trọng bằng tiềm năng phát triển các ngành tiêu dùng, vì người Việt thuộc nhóm dân số trẻ, có thu nhập tăng và sẵn sàng chi trả cho các nhu cầu tiêu dùng”, ông Gisbourne cho biết.
Tương lai thuộc về kinh tế số?
Một trong những ngành được nhà đầu tư nước ngoài chú ý tại Việt Nam là kinh tế số, điển hình là thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử hoặc kinh tế chia sẻ như Grab và Uber. Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển kinh tế số tại Việt Nam là rất lớn, trong bối cảnh 41% dân số sử dụng dịch vụ 3G, một nửa dân số có smartphone và Internet đang dần phủ sóng toàn quốc.
Ông Yee Chung Seck, luật sư điều hành tại Baker & McKenzie Việt Nam, cho biết, các ngành kinh tế số đang phát triển “với tốc độ nhanh chóng mặt” tại Việt Nam. Cụ thể, thương mại điện tử tăng trưởng đến 35% hàng năm và hiện có hơn 30 đơn vị cung cấp các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech). Trong 2 năm gần đây, thị trường cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư lớn vào các doanh nghiệp kinh tế số tại Việt Nam, như JD.com - trang thương mại điện tử Tiki, Sea Limited - Shopee hay Goldman Sachs và Standard Chartered Capital Equity - ví điện tử Momo.
“Rào cản lớn nhất hiện nay của các ngành kinh tế số tại Việt Nam chính là luật pháp chưa theo kịp sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Gần đây, sự lan truyền của các loại tiền ảo như bitcoin càng đặt thêm nhiều áp lực về việc Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt là trong các vấn đề nhạy cảm như giấy phép, luật cạnh tranh và thuế”, ông Seck cho biết.