Theo đó, Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp theo tỷ lệ khi kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến vận tải (quy định hiện hành chỉ cho phép thành lập công ty liên doanh).
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước là thành viên của WTO khi kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ vốn góp và một số điều kiện sau:
- Dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa): Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu không quá 1/3 định biên của tàu; thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là người Việt Nam.
- Vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ thì 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng. Cụ thể, trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp logistics thì thực hiện theo quy định đó. Trường hợp pháp luật không quy định thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng do hai bên thỏa thuận.
Trường hợp doanh nghiệp logistics và khách hàng không có thỏa thuận thì thực hiện như sau: Nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá hàng hóa thì doanh nghiệp logistics phải bồi thường tối đa 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; Nếu khách hàng đã thông báo trước, mức bồi thường của doanh nghiệp logistics không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2018 thay thế cho Nghị định số 140/2007/NĐ-CP./.