Theo đó, Ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện bảo lãnh khi đáp ứng 02 điều kiện: Trong Giấy phép thành lập và hoạt động có quy định nội dung bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.
Danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư cũng quy định chi tiết về việc xác định số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư (CĐT) khi các ngân hàng thương mại bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai như sau:
- Số dư bảo lãnh là tổng số tiền CĐT đã nhận ứng trước của các bên mua theo tiến độ đã thỏa thuận trước khi nhà ở được bàn giao và giảm dần khi nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên mua chấm dứt.
- Ngân hàng thương mại và CĐT thỏa thuận về thời gian thông báo số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua nhưng tối thiểu phải thông báo một lần vào ngày cuối cùng hàng tháng để làm cơ sở xác định số dư bảo lãnh.
Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; trong 05 ngày làm việc từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ ngày phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.