Xúc tiến đầu tư tại Sakai
Ngày 16/9, PCT UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đoàn công tác thăm làm việc tại thành phố Sakai, Nhật Bản. Bà Hazama Emiko, Phó thị trưởng thành phố Sakai đã tiếp đoàn. Cùng dự có ông Kiều Mạnh Linh - đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và các cơ quan, ban, ngành hai bên.
Bà Hazama bày tỏ ấn tượng về những kết quả đạt được của Đà Nẵng trong thời gian qua, đặc biệt sau khi đến du lịch tại TP vào năm 2015. Bà giới thiệu về thế mạnh công nghiệp của Sakai, những nỗ lực đẩy mạnh giao thương với các doanh nghiệp VN. Sakai cũng rất mạnh về dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội, đứng thứ hai Nhật Bản về chỉ số phát triển lĩnh vực này. Từ thế kỷ 15, Sakai đã có những thuyền buôm đến khu vực Đông Nam Á. Sắp tới thúc đẩy chương trình giao lưu văn hóa giáo dục của học sinh Đà Nẵng tại Sakai. Từ 2009 ký kết hợp tác với ĐN, thị trưởng Sakai thăm ĐN, thúc đẩy cả hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa, du lịch. Các lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật thì Sakai đều cử đoàn tham dự giới thiệu trà đạo và văn hóa NB. Số người VN tại Sakai cũng tăng qua các năm. Bà hi vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong các năm đến.
Phát biểu tại buổi làm việc, PCT Hồ Kỳ Minh cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của TP Sakai dàng cho Đoàn. Kể từ khi 2 bên ký kết biên bản hợp tác thì quan hệ hai bên được thúc đẩy. PCT giới thiệu khái quát về thành phố Đà Nẵng, đặc biệt các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, phát triển hạ tầng, phát triển công nghệ thông tin... Hai bên có nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác về du lịch, đầu tư trên các lĩnh vực. Lượng khách du lịch NB đến ĐN ở mức 125.000 lượt/năm là chưa tương xứng với tiềm năng. Các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm đã và đang được xây dựng, hoàn thiện sẽ tạo cơ hội đón các nguồn vốn đầu tư từ NB. PCT mong muốn Tp Sakai tổ chức đoàn đến Đà Nẵng tìm hiểu đầu tư. Đặc biệt, với thế mạnh lĩnh vực y tế, mong muốn Sakai hợp tác đầu tư các bệnh viện chất lượng cao tại ĐN, tạo điều kiện để người dân Nhật đến ĐN nghỉ dưỡng. TP cũng đề nghị SAkai tham gia Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật vào tháng 7/2018 nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nhật. Đà Nẵng đang đẩy mạnh dạy học tiếng NHật cho học sinh, sinh viên, người lao động ĐN, vì vậy, rất mong muốn phía Sakai hỗ trợ tài liệu học tập. Để nâng tầm quan hệ hữu nghị hợp tác, hai bên thống nhất nâng quan hệ giữa hai bên lên quan hệ thành phố đối tác (partnership cities). Theo đó, sẽ triển khai các chương trình giao lưu đào tạo ngắn hạn; Sakai tiếp nhận công chức Đà Nẵng làm việc ngắn hạn. Thống nhất trao đổi thông tin và cử vận động viên tham dự các lễ hội quốc tế về marathon. Đà Nẵng đề nghị Sakai xem xét cử đội tham gia lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; đây chính là cơ hội xúc tiến du lịch Nhật Bản bởi người Nhật rất thích xem pháo hoa. Đà nẵng đề nghị Cục Văn hóa và du lịch Sakai đưa đoàn xúc tiến đến ĐN. Tp sẽ tạo điều kiện thuận lợi và sắp xếp chương trình tại ĐN cho phía bạn. Bà Hazama cho biết chủ đề hoạt động hợp tác năm tới của Sakai chính là "thành phố Đà Nẵng", bà cũng cho biết một ngân hàng lớn của Nhật Bản sẽ mở Văn phòng ở TPHCM và sẽ xem xét việc mở rộng địa bàn hoạt động đến Đà Nẵng.
Về đầu mối xúc tiến các công việc tiếp theo, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng và Cục Văn hóa Du lịch Sakai được giao thực hiện. Thay mặt Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, PCT Hồ Kỳ Minh trân trọng mời ông thị trưởng Sakai và bà Hazama đến thăm thành phố. Bà Hazama đã vui vẻ nhận lời.
Xúc tiến đầu tư tại Osaka
Trong chương trình làm việc tại Nhật Bản, ngày 15/9, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với TLSQ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản. Tiếp Đoàn tại buổi làm việc, TLS Trần Đức Bình đã giới thiệu về các hoạt động của TLSQ tại Nhật Bản. Bên cạnh hoạt động lãnh sự, TLSQ cũng phối hợp với phía Nhật để thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản về Việt Nam, cả các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. PCT Hồ Kỳ Minh giới thiệu với TLSQ về hoạt động xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng, các ưu tiên đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, CNTT, du lịch..., đề nghị TLSQ trong khả năng của mình hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Nhật với Đà Nẵng, trước mắt có thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiêu chí hiệu quả. TLS Trần Đức Bình đề nghị thành phố Đà nẵng chuẩn bị kế hoạch xúc tiến đầu tư tổng thể để phối hợp với TLSQ trong năm 2018. Bên cạnh các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố, Đà Nẵng có thể cử các đoàn của Sở, ban, ngành tham gia xúc tiến đầu tư tại Osaka. Thành phố Đà Nẵng đề nghị TLSQ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ với thành phố Osaka, đưa quan hệ hai bên vào quan hệ thành phố đối tác để mang lại hiệu quả hợp tác cao hơn trong thồ gian tới. TLSQ cho biết đang liên hệ với liên đoàn kinh tế vùng Kansai để thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đến miền Trung, trong đó Đà Nẵng là hạt nhân. TLSQ đề nghị Đà Nẵng nghiên cứu xúc tiến đầu tư của một số doanh nghiệp như Mitani, Daikin..., một số nơi như Fuyama... Với đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Osaka thì điều kiện kết nối Đà Nẵng với các thành phố như Kobe, Saitama... là khá thuận lợi.
PCT Hồ Kỳ Minh đề nghị TLSQ kết nối vùng Kansai với vùng duyên hải miền Trung, mời TLS tham dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017. PCT đề nghị TLS hỗ trợ thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về hợp tác liên kết phát triển vùng, mang lại giá trị cho không chỉ Đà Nẵng và các địa phương trong vùng. Ngày 26-28/10, phía Nhật Bản tổ chức hội chợ dành cho doanh nghiệp và dành cho Việt Nam một số gian hàng. TLS mong muốn phối hợp với Đà Nẵng giới thiệu môi trường đầu tư lĩnh vực CNTT tại hội chợ. PCT Hồ Kỳ Minh giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối đề xuất tham gia hội chợ.
Chiều 15/9, đoàn công tác đã đến thăm làm việc với Công ty Takuma, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường từ những năm 1960 cho đến nay. Ông Hideki Takeguchi, Giám đốc điều hành và đại diện công ty đã giới thiệu cho đoàn về lịch sử thành lập, các dự án công ty đã và đang triển khai, gồm Dự án nhà máy xử lý rác thải thành điện năng Takuma, các dự án sản xuất điện năng ở các nước như Đài Loan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh. Hiện Công ty có dự án sản xuất thiết bị nồi hơi nhiệt cung cấp cho công nghiệp xử lý rác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Đà Nẵng, Công ty Takuma phối hợp với ĐH Okayama NB, Công ty Môi trường đô thị và Trường ĐH Bách khoa trong việc khảo sát, lấy mẫu rác để phân tích, nghiên cứu nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Đoàn cũng được xem hoạt động của hệ thống xử lý rác thải của công ty.
Hai bên đã trao đổi ý kiến về địa điểm đặt nhà máy xử lý rác thải trong đô thị, vấn đề phân loại rác thải tại nguồn, chi phí xử lý rác, tác động môi trường của nhà máy, vấn đề tập kết rác, nước rỉ rác, hoạt động nghiên cứu để đề xuất dự án xử lý rác thải tại Đà Nẵng. Kinh nghiệm cho thấy nhà máy có thể được đặt gần khu dân cư, nhà máy có thể phát sinh chất thải ra môi trường nhưng đều được xử lý, kể cả tái sử dụng. Ở những năm đầu, rác đầu vào có thể chưa được phân loại nhiều nhưng sẽ được cải thiện dần theo thời gian. Bình quân 1 tấn rác có thể phát sinh từ 40kg - 120kg tro. Chi phí đầu tư một nhà máy xử lý 1000 tấn rác bình quân khoảng 70 triệu USD.
PCT Hồ Kỳ Minh cho biết Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng quy trình gọi thầu xây dựng nhà máy xử lý rác tại Hòa Nhơn. Ông đề nghị Công ty phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường để góp ý tiêu chí gọi thầu cho dự án xây dựng nhà máy xử lý rác. PCT cũng lưu ý công ty về vấn đề liên quan đến chất lượng, giá bỏ thầu phù hợp. PCT cũng đề nghị công ty tư vấn cho thành phố việc đầu tư xây dựng 1-2 nhà máy ở địa điểm khác nhằm đảm bảo công tác xử lý rác của thành phố trong tương lai.
Cũng trong chương trình ngày 15/9, PCT Hồ Kỳ Minh và đoàn công tác đã đến thăm làm việc với Công ty Yamato Industrial Sewing Machine Manufacturing Co., Ltd. Ông Shogo Kondo, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty đã tiếp đoàn và thảo luận về dự án sản xuất máy may công nghiệp công nghệ cao công ty dự kiến đăng ký đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. PCT Hồ Kỳ Minh lưu ý công ty về việc dây chuyền máy móc sản xuất ra máy may công nghiệp của công ty cần đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản và được chứng nhận bởi cơ quan độc lập ở Nhật; công ty cần thực hiện đầy đủ các thủ tục về chuẩn bị báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp phép xây dựng theo quy định. PCT cho biết Công ty sẽ được xem xét các ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ xe buýt, hỗ trợ giới thiệu việc làm, giới thiệu nguồn nguyên liệu hỗ trợ sản xuất... như các doanh nghiệp khác trong Khu Công nghệ cao. Ban Quản lý khu công nghệ cao chịu trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện hạ tầng, đồng thời, sẽ hỗ trợ hướng dẫn công ty giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. Công ty mong muốn đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư để có thể triển khai ngay dự án nếu được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ban XTĐT