Dù tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đang gặp khó nhưng không ít nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản vẫn bày tỏ ý định tham gia lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN.
Điển hình, vào những ngày cuối tháng 4/2014, Công ty Daishinto Inc (Nhật Bản) trình bày kế hoạch đầu tư dự án nhà xưởng cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Nhật Bản thuê tại KCN Bá Thiện II (tỉnh Vĩnh Phúc). Với quy mô 48 ha, dự án sẽ cung cấp diện tích nhà xưởng xây sẵn (với giá thuê trung bình từ 4.500 - 7.000 USD/tháng) và tất cả các dịch vụ hỗ trợ cho DN Nhật sang Việt Nam sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, một tập đoàn khác, vốn đã đầu tư khá nhiều dự án ở thị trường Việt Nam là Sojitz cũng bày tỏ ý định đầu tư thêm 3 - 4 KCN tại Việt Nam, dù hiện tại, Sojitz là NĐT chiếm cổ phần chi phối tại KCN Long Bình, KCN Long Đức (Đồng Nai) và đang triển khai thêm KCN 27 ha tại TP.HCM.
Nếu không giới hạn trong phạm vi hạ tầng KCN, theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến tháng 4/2014, Nhật Bản đang là đối tác đầu tư dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 2.266 dự án và vốn đăng ký 35,5 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, trong suốt năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, khá nhiều đoàn DN Nhật đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đại diện KCN Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) cho biết, trong những tháng qua, lượng khách hàng Nhật đến tham quan, đặt nền tảng đầu tư chiếm 80% tổng số NĐT đến với KCN.
Không chỉ các DN, nhiều ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhật cũng tìm đến KCN. Theo đó, những tổ chức này đóng vai trò thẩm định đầu tư cho các NĐT Nhật muốn sang Việt Nam, cũng như tài trợ vốn để DN của họ triển khai kinh doanh ở các thị trường ngoài Nhật Bản.
Việc các DN Nhật đang hướng đầu tư vào hạ tầng KCN cũng là một dự báo cho thấy, dòng đầu tư từ thị trường này sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam thông qua việc thu hút các dự án của NĐT Nhật đặt nền móng sản xuất tại KCN do chính DN Nhật phát triển. Điều này đã được minh chứng qua các KCN Long Bình và Long Đức.
Theo đó, trước khi đưa KCN Long Đức vào sử dụng hồi tháng 9/2013, Tập đoàn Lixil, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng, đã triển khai nhà máy sản xuất các loại khu cửa, cửa đi cho nhà ở, văn phòng... có tổng vốn đầu tư hơn 440 triệu USD trên diện tích 55ha tại đây. Được biết, đa phần DN Nhật vào Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp - công nghệ cao, bán lẻ...
Theo Nguyên Bảo - Doanh nhân Sài Gòn
Xem tin gốc tại đây