Khi mở cửa để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp (DN) FDI đem đến những công nghệ tiên tiến, giúp các DN trong nước có cơ hội tiếp cận với công nghệ cao, quy trình quản lý hiện đại, được đào tạo sử dụng trang thiết bị công nghệ mới. Mặc dù ưu đãi mà các DN FDI được hưởng là không hề nhỏ, tuy nhiên, dường như những gì Việt Nam thu lại vẫn chưa như kỳ vọng.
Kết nối giữa DN FDI và DN trong nước mờ nhạt
Thực tế cho thấy, không phải tất cả các DN FDI đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại khi đầu tư vào Việt Nam. DN FDI mặc nhiên được hưởng các ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai... khi đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng chẳng màng đến chuyện chia sẻ công nghệ với doanh nghiệp nội.
Kể từ ngày 1.1.2009, Việt Nam đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các DN FDI như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, với thuế suất ưu đãi giảm từ 25% xuống còn 10-20% trong vòng 30 năm. Bên cạnh đó Việt Nam còn miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, tăng khấu hao các tài sản cố định và cho phép chuyển lỗ. Ngoài ra, DN FDI còn có thể được miễn giảm tiền thuê đất trong vòng 15 năm. Mục đích của những chính sách ưu đãi này là nhằm thúc đẩy đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và những lĩnh vực ưu tiên khác (như công nghệ môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp và dược phẩm…).
DN FDI là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra việc làm, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu ở Việt Nam. Mặc dù đạt được một số thành công, song Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI, con số thâm hụt khổng lồ trong cán cân thanh toán của Việt Nam là một chỉ báo. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt.
Ông Đậu Tuấn Anh - Trưởng ban Pháp chế của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - cho biết: "60% số DN FDI vẫn nhập hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ các nhà cung cấp tư nhân nội địa cho dù có nhận được ưu đãi hay không. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi lại nhập khẩu hàng hóa đầu vào bên ngoài nhiều hơn là những DN không nhận được ưu đãi. Sự khác biệt này có thể do thực tế Việt Nam chỉ thực hiện chính sách ưu đãi riêng trong những lĩnh vực và khu vực mà các DN trong nước đang còn yếu và chưa đáp ứng được các yêu cầu để tham gia các chuỗi cung ứng của các DN FDI".
Nâng cao chất lượng lao động là chìa khóa
Thực tế cho thấy, đa số các DN trong nước bị hạn chế về khả năng hấp thụ đầu tư, không học hỏi được công nghệ cao từ các khách hàng nước ngoài.
"Việc nâng cao chất lượng lao động là chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI. Thực vậy, nếu không có một lực lượng lao động chất lượng cao thì dù mật độ các liên kết ngược có dày đặc bao nhiêu hay khoảng cách giữa các nhà cung ứng và khách hàng có gần như thế nào đi nữa, thì các DN Việt Nam vẫn không thể học hỏi được công nghệ nói chung và công nghệ quản lý nói riêng của các DN FDI" - đại diện của VCCI cho biết.
Theo ông Đậu Tuấn Anh, các DN FDI sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ chính nước họ. Vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa các địa phương, các lĩnh vực và các quốc gia xuất xứ. Những khác biệt này chủ yếu là do 3 yếu tố: Mối liên kết; khoảng cách địa lý giữa DN FDI và DN nội địa; khả năng hấp thụ đầu tư của các DN và người lao động trong nước.
Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu ứng lan tỏa, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo giúp nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của các DN trong nước, để từ đó thu lại được nhiều lợi ích từ FDI. Hiệu quả tác động mạnh mẽ của khoảng cách về địa lý cho thấy chính sách ưu tiên hiện nay của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đối với các khu công nghiệp có thể vô hình trung làm suy giảm hiệu ứng lan tỏa. Nếu thiếu vắng những cải thiện căn bản về khả năng hấp thụ đầu tư, thì các chính sách ưu đãi thuế hay hỗ trợ khác vẫn sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Lan Hương
http://laodong.com.vn/kinh-doanh/loi-ich-tu-fdi-chua-nhu-ky-vong-542545.bld