1. Nghị định Số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật
Nghị định quy định rõ nguyên tắc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.
- Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
- Bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và không trùng lặp.
- Bảo đảm đúng pháp luật, hiệu quả trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật.
- Việc xây dựng, phê duyệt, quản lý và thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật phải tuân theo các quy định của Nghị định này, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/3/2015 và thay thế Nghị định 78/2008/NĐ-CP.
2. Thông tư Số 38/2014/TT-NHNN ngày 8 tháng 12 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam
Theo Thông tư này, sẽ xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận việc mua cổ phần của TCTD Việt Nam dẫn đến mức sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên hoặc trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của 01 TCTD Việt Nam trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản chấp thuận việc mua cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển đủ số tiền đã đăng ký mua cổ phần vào tài khoản đầu tư gián tiếp phong tỏa bằng đồng Việt Nam tại 01 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động ngoại gối và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ được sử dụng số tiền này cho mục đích mua cổ phần của TCTD đã đăng ký. Trường hợp mua cổ phần của TCTD đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, trước khi giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thực hiện giao dịch theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.
3. Thông tư 04/2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015 quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 05/01 vừa qua, Bộ Công an ban hành Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Thông tư quy định các biểu mẫu sau:
- Mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan, tổ chức và cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.
- Mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
- Mẫu giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/02/2015. Các giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực còn thời hạn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn ghi trong giấy tờ đó.
4. Thông tư 10/2015/TT-BTC ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tài chính về việc quy định chi tiết thi hành Quyết định 54/2014/QĐ-TTg ngày 19/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo
Theo Thông tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất, lắp ráp phải là các chi tiết điện tử, chi tiết bán dẫn, chi tiết cơ khi nhập khẩu để lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm và phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo như: Hệ thống chụp mạch; máy siêu âm, máy siêu âm doppler xuyên sọ; máy theo dõi sản khoa; hệ thống nội soi chẩn đoán; máy đo lưu huyết não; máy thở và hệ thống nội soi phẫu thuật...
Trong đó, việc xác định linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo Thông tư số 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/08/2012; việc xác định thời hạn được miễn thuế nhập khẩu 05 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 15 Điều 100 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2015.
5. Nghị định Số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế
Theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về thuế, các đối tượng được hưởng thuế ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm theo nghị định số 218/2013/NĐ-CP đã được mở rộng như sau:
(1) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
(2) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 1/1/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được, nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) hoặc tương đương.
(3) Đối với thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), dự án đầu tư đang áp dụng thuế suất ưu đãi 20% tính đến hết kỳ tính thuế TNDN năm 2015, được áp thuế suất 17% từ năm 2016.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng ban hành các điều khoản sửa đổi, bổ sung quy định về thuế thu nhập cá nhân tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP, theo đó cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh và quy định rõ thuế suất đối với thu nhập từ kinh doanh đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.
6. Nghị định Số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Ngày 14/2/2015, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, theo đó lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2015.
Nghị định PPP được ban hành đã tạo ra khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, có hiệu lực cao hơn nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công. Theo đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Riêng đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu và nguồn vốn nhà nước trong phần tham gia của Nhà nước sẽ không được vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án.
5 điều kiện để các dự án được lựa chọn thực hiện theo hình thức PPP bao gồm:
1- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2- Phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định.
3- Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư.
4- Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
5- Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 và các Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Nghị định số 24/2011/NĐ-CP và Quyết định só 71/2010/QĐ-TTg hết hiệu lực thi hành.
7. Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản
Ngày 16/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Trong đó, Quản tài viên được Luật Phá sản năm 2014 quy định là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
Một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định là quy định về mức thù lao của Quản tài viên khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Cụ thể, với tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thu được sau khi thanh lý dưới 100 triệu đồng thì mức thù lao của Quản tài viên là 5%; từ 100 triệu đồng - 500 triệu đồng, mức thù lao là 05 tháng lương cơ sở + 4% phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 100 triệu đồng; từ trên 500 triệu đồng - 01 tỷ đồng, mức thù lao là 20 tháng lương cơ sở + 3% của phần giá trị tài sản thu được vượt quá 500 triệu đồng; từ trên 01 tỷ đồng - 10 tỷ đồng, mức thù lao là 36 tháng lương cơ sở + 2% của phần giá trị tài sản thu được vượt quá 01 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nghị định này cũng nhấn mạnh về những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/04/2015.
8. Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
Theo Nghị định này, các doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định thì sẽ được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.
Đồng thời, doanh nghiệp còn được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước. Trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp pháp luật kiểm tra chuyên ngành có quy định hàng hóa phải kiểm tra tại cửa khẩu. Trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu thì được ưu tiên kiểm tra trước...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2015.
9. Thông tư số 30/2015/TT-BTC ngày 9 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Ngày 9/3/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2015/TT-BTC hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP.
Thông tư quy định cụ thể 05 nguyên tắc thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ. Đơn cử như:
- NSNN thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án hoàn thành được tạm ứng, thanh toán 70% mức hỗ trợ theo hạng mục, gói thầu; sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được thanh toán 30% mức vốn còn lại.
- Trường hợp dự án chỉ có 01 hạng mục đầu tư được hỗ trợ, NSNN sẽ thanh toán một lần khi dự án hoàn thành đầu tư.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/4/2015 và thay thế Thông tư 84/2011/TT-BTC.
10. Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 13 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ
Theo đó, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển được cho thuê trong thời hạn không quá 50 năm. Tuy nhiên, thời hạn trên có thể được kéo dài lên 70 năm đối với các dự án đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm; và dự án đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13 tháng 3 năm 2015 và thay thế các Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT, số 06/2007/TT-BTNMT, số 09/2013/TT-BTNMT.
11. Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, đầu tư có sử dụng đất phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế trừ các trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại khoản 4 điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước gồm:
+ Lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
+ Nhà đầu tư nước ngoài không tham dự sơ tuyển quốc tế hoặc không trúng sơ tuyển quốc tế.
+ Dự án đầu tư PPP nhóm C theo quy định pháp luật về đầu tư công.
+ Dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án dưới 120 tỷ đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/05/2015.
12. Quyết định số 510/QĐ-BTC ngày 19 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Theo đó, có 38 TTHC được đơn giản hóa bao gồm:
- Bãi bỏ thủ tục: Thay tờ khai hải quan; Thanh khoản tờ khai nhập nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu; Thông báo, điều chỉnh, kiểm tra định mức đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài; Thông báo hợp đồng gia công ở nước ngoài; Thanh khoản hợp đồng đặt gia công ở nước ngoài…
- Bổ sung quy định: Trường hợp làm thủ tục hải quan tạm nhập trở lại khác chi cục hải quan làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đó trước đây thì phải nộp tờ khai hải quan xuất khẩu trước đây nếu làm thủ tục hải quan theo phương thức thủ công.
- Thủ tục xuất khẩu nguyên liệu, vật tư đặt gia công ở nước ngoài được bổ sung thêm thủ tục điện tử.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2015.
13. Thông tư số 16/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Theo quy định tại Thông tư này, trước ngày 10/06 và ngày 10/12 hàng năm, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo 06 tháng và hàng năm về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam được Bộ Ngoại giao giao, ủy quyền hoặc gửi về Trung tâm dịch vụ việc làm có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể mẫu phiếu đăng ký dự tuyển lao động Người đăng ký dự tuyển phải thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết; thực hiện đầy đủ các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đã giới thiệu đến làm việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 6 năm 2015.