Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Để FDI đem lại nhiều hiệu quả hơn trong năm 2014
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 19/03/2014 Lượt xem: 4


Hoàn thành xuất sắc mục tiêu của năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần đưa Việt Nam xuất siêu năm thứ hai liên tiếp. Nhưng, những trở ngại trước mắt còn nhiều, môi trường đầu tư chưa thật sự tốt, hay việc làm thế nào để tăng tính hiệu quả của nguồn vốn này là vấn đề đang được đặt ra để tìm lời giải.

FDI năm 2013 khởi sắc

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 15/12/2013, Việt Nam đã đón nhận 1.275 dự án FDI mới với vốn đăng ký trên 14,272 tỷ USD, tăng 70,5% so với năm trước. Ngoài các dự án đăng ký mới, còn có 472 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đạt 7,355 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Như vậy, năm 2013, thu hút FDI đã đạt con số 21,628 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2012. Đặc biệt, nó đã vượt xa con số mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 13 - 14 tỷ USD.

Nguồn vốn FDI thực hiện trong năm 2013 ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012. Nhìn vài năm trở lại đây, nguồn vốn thực hiện khá ổn định, thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Một đóng góp lớn của FDI trong năm nay là giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ hai liên tiếp. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI năm nay ước đạt 81,187 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 26,8% so với năm 2012, chiếm 61,42% tổng kim ngạch xuất khẩu; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 74,469 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2012, chiếm 56,71% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, xuất siêu của khu vực kinh tế FDI năm 2013 đạt 13,954 tỷ USD, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo ra xuất siêu chung của cả nước là 863 triệu USD.

Nhìn lại 26 năm thu hút FDI (1988 - 2013) đã có khoảng 120 tỷ USD vốn FDI thực hiện ở nước ta, đóng góp 25% vốn đầu tư xã hội. Đó là con số khá ấn tượng và hợp lý đối với một nước đang chuyển đổi cơ chế kinh tế như Việt Nam.

Tình hình thu hút FDI giai đoạn 2008-2013

http://kinhtevadubao.com.vn/upload/editor/images/Nguyen%20Mai%20-%20bieu%20do.jpg

Cải thiện môi trường đầu tư vẫn chưa thực sự mạnh mẽ

Từ khi gia nhập WTO đến nay, nước ta đã có một số tiến bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế, cải cách thủ tục hành chính… Do vậy, môi trường đầu tư đã dần được cải thiện, nhưng vẫn chưa thật sự mạnh mẽ.

Rõ nét nhất là thủ tục và hồ sơ dự án đã được đơn giản, thời gian thẩm định, cấp phép được giảm thiểu. Nhiều địa phương và ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực hiện "một cửa" trong tiếp nhận hồ sơ dự án cho đến thẩm định và cấp phép nên nhà đầu tư không mất nhiều thời gian. Tuy vậy, sau khi có giấy phép đầu tư, thì các thủ tục hành chính tiếp theo, như: cấp đất, giải tỏa đền bù, xây dựng công trình, môi trường, phòng chống cháy nổ… còn khá phức tạp. Đến khi dự án bắt đầu sản xuất, kinh doanh, thì những vướng mắc về hải quan, quản lý thị trường, thuế… lại tiếp tục là mối lo ngại lớn của doanh nghiệp.

Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh toàn cầu được công bố ngày 29/10/2013, Việt Nam đứng thứ 99 trên 189 nền kinh tế. WB nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi, mặc dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, so với các nước trong khu vực, các quốc gia cạnh tranh để thu hút FDI với Việt Nam, thì việc cải thiện môi trường đầu tư diễn ra chậm chạp hơn, thậm chí tụt hậu khá xa.

Kết quả được công bố tháng 3/2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cuộc khảo sát 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp FDI cũng cho thấy, cảm nhận của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI khá tương đồng khi đánh giá thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, hải quan… là những "nút thắt" cần được tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư. Tính ổn định, công khai, minh bạch của hệ thống luật pháp vẫn là vấn đề chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư, khiến họ còn e ngại khi quyết định đầu tư.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên là do luật pháp có liên quan đến đầu tư chưa hình thành hệ thống, thiếu nhất quán, chồng chéo, phức tạp. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 ngay từ khi ban hành đã có những nội dung không phù hợp. Trong quá trình thực hiện, mặc dù được điều chỉnh bằng một số quyết định của Chính phủ, nhưng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Các luật thuế, hải quan, thương mại liên quan đến đầu tư có khá nhiều nội dung không nhất quán với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, phương thức xây dựng pháp luật vẫn không được cải tiến, luật chỉ quy định những nội dung có tính nguyên tắc, sau đó chờ nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ trong khi tình trạng "nợ" văn bản quy phạm pháp luật ngày càng lớn nên nhiều luật không thực hiện được.

Cải cách nền hành chính quốc gia tuy được Chính phủ chỉ đạo khá rốt ráo bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, lập các ban điều hành, nhưng xem ra tiến bộ đạt được chưa nhiều. Trong khi đó, bộ máy, biên chế công chức ngày càng cồng kềnh, trong lúc đó hiệu năng quản lý nhà nước lại ngày càng kém hơn. Các hoạt động từ xúc tiến đầu tư đến thẩm định cấp phép, triển khai dự án, hướng dẫn kiểm tra chậm được đổi mới.

Bên cạnh vấn đề thủ tục hành chính, chính sách thu hút FDI cũng chậm được đổi mới. Các ưu đãi đầu tư vẫn giữ nguyên như những năm đầu hội nhập quốc tế, trong khi tình hình đã thay đổi cơ bản. Mặc dù khi tổng kết 20 năm thu hút FDI vào năm 2007, Chính phủ đã chủ trương nâng cao chất lượng và hiệu quả FDI, nhưng kết quả chưa chuyển biến rõ rệt. Sau 6 năm, ngày 29/8/2013, Chính phủ ra Nghị quyết 103 NQ-CP đã nhắc lại chủ trương và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài.

Để đem lại hiệu quả hơn

Trong báo cáo tháng 6/2013 của UNCTAD đã có dự báo về xu hướng tăng dòng vốn FDI toàn cầu, năm 2013 là 1,45 nghìn tỷ USD, năm 2014 là 1,6 nghìn tỷ USD và năm 2015 là 1,8 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, việc sẽ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong thời gian tới sẽ mở ra triển vọng về thu hút FDI khi các rào cản về thương mại và đầu tư được dỡ bỏ dần. Trong nước, nhiều chủ trương liên quan đến FDI đang được thực hiện, như: sửa đổi hệ thống luật pháp, cải cách hệ thống thuế, đơn giản thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… mong rằng sẽ sớm phát huy hiệu quả.

Nhưng, tất cả những giải pháp, nỗ lực thu hút FDI cũng trở nên vô nghĩa nếu không tính đến mặt hiệu quả của nguồn vốn này, có tác dụng gì với doanh nghiệp, với nền sản xuất trong nước? Để khu vực FDI đóng góp nhiều hơn và có hiệu quả hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng tôi xin gợi ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần coi trọng tác dụng lan tỏa để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Để có thể đạt được mục tiêu đó, trước mắt cần giải quyết những vướng mắc về vốn, tín dụng, đất đai, chính sách ưu đãi nhằm đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sơ sản xuất nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu. Từ đó, tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp phân phối sản phẩm trong nước với doanh nghiệp FDI theo phương thức thích ứng với từng ngành hàng, để các doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả hơn chuỗi giá trị sản phẩm.

Thứ hai, đối với các khu công nghiệp hiện đang phổ biến là đa ngành cần có định hướng tiến đến chuyên nghiệp hóa một vài ngành. Việc này sẽ tạo nên chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm cuối cùng với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp phân phối đầu ra, nhằm tăng thêm giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, khi có dự án FDI mới, ban quản lý khu công nghiệp của tỉnh, thành phố cần lựa chọn địa điểm thích hợp theo định hướng chuyên nghiệp hóa khu công nghiệp. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chuyên nghiệp hóa các khu công nghiệp theo hướng doanh nghiệp trong nước tạo ra sản phẩm đầu vào và dịch vụ đầu ra sẽ mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm cuối cùng và chính họ. Việc thành lập khu công nghiệp mới phải được quy hoạch phù hợp với định hướng chuyên nghiệp hóa từng chuỗi giá trị một hoặc vài sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao, không cho phép lập thêm khu công nghiệp đa ngành ở các địa phương đã có trình độ phát triển khá.

Thứ ba, đối với dự án FDI mới cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng lãnh thổ. Trong trường hợp đặc biệt khi nhà đầu tư có ý tưởng về dự án FDI tại địa phương nằm ngoài quy hoạch, nhưng xét thấy có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế theo mô hình mới, cần tham vấn các cơ quan chuyên môn, chuyên gia kinh tế để tính toán lợi ích mà địa phương và đất nước thu được, nhằm lựa chọn đúng đắn. Chúng ta không nên dễ dãi chấp nhận ý tưởng ban đầu của nhà đầu tư khi chưa có kiểm chứng. Năm 2013, hàng trăm dự án FDI chậm hoặc không triển khai với vốn đăng ký hàng chục tỷ USD đã bị rút giấy phép, gây thiệt hại khó tính hết đối với nước ta là bài học kinh nghiệm đối với những dự án "bánh vẽ" của một số nhà đầu tư không có tiềm năng.

Thứ tư, cần hình thành liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mối liên kết này cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài và Cục Đăng ký kinh doanh) quan tâm nghiên cứu để đưa ra chỉ dẫn cho các địa phương về mô hình và phương thức liên kết, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách, luật pháp để khuyến khích mở rộng mối liên kết đó./.

GS, TSKH. Nguyễn Mại
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 2/2014)

Xem tin gốc tại đây


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

주소

다낭 Tran Phu 24번지 행정 센터 18층

Quản lý nội dung HTML

문의하기

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

License No. 124/GP-STTT by Authority of Danang Department of Information and Communications issued on February 20, 2017

Subsidiary Responsible Person: Mrs. Huynh Lien Phuong - Director of Danang Investment Promotion Agency