Bất động sản và xây dựng, chứng khoán, y dược, hàng tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông thủy sản là nhóm được đánh giá cao. Nhưng lựa chọn ra lệnh mua, tất nhiên còn tùy mã!
Bất động sản và xây dựng
Nhóm ngành này sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ kinh tế chung, đặc biệt là chính sách về tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và duy trì lãi suất thương mại thấp. Lãi suất cho vay trong năm 2014 được kỳ vọng tiếp tục ở mức thấp, nên chi phí lãi vay của các DN bất động sản và xây dựng sẽ giảm đáng kể.
Gói hỗ trợ vay vốn mua nhà 30.000 tỷ đồng đang được quan tâm tháo gỡ các trở ngại trong giải ngân, sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết hàng tồn kho bất động sản trong năm 2014.
Trong khi đó, thị trường nhà đất sau nhiều năm khủng hoảng đang có những tín hiệu khả quan, đặc biệt là ở phân khúc nhà đất giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của phần lớn người dân.
Dự báo, những công ty bất động sản có tài sản lớn, có tầm chiến lược sẽ là mục tiêu của dòng vốn M&A từ nước ngoài, nhất là khi quyết định nới "room" cho NĐT nước ngoài được thông qua.
Trên TTCK, thị giá cổ phiếu của các DN bất động sản và xây dựng đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, do vậy sẽ thu hút sự chú ý của nhiều NĐT.
Chứng khoán
Mặc dù ngành chứng khoán vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN đầu ngành này vẫn là mục tiêu của nhiều NĐT trong và ngoài nước. Điều này được thấy rõ qua hiện tượng hết "room" nước ngoài tại CTCK SSI và HCM.
Năm qua, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới và quá trình tăng điểm này đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục, khi nền kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Các NĐT nước ngoài, đặc biệt là NĐT chiến lược, sẽ tham gia nhiều hơn vào việc chia "miếng bánh" trên TTCK. Từ đó, nhiều CTCK nội sẽ là mục tiêu thâu tóm của các tổ chức đầu tư, nhất là khi quyết định nới "room" cho NĐT nước ngoài được thông qua. Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu này không chỉ tác động trực tiếp đến thị giá cổ phiếu của các CTCK lớn, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến cổ phiếu của các CTCK khác theo hiệu ứng lan tỏa.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của nhiều CTCK được cải thiện đáng kể trong năm qua. Nếu TTCK tiếp tục diễn biến tích cực trong năm tới thì doanh số cũng như lợi nhuận của các CTCK sẽ gia tăng đáng kể từ các mảng nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, ngân hàng đầu tư, quản lý quỹ.
Thị giá cổ phiếu của các CTCK cũng đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, do kết quả kinh doanh yếu kém vài năm trước. Yếu tố thị giá thấp sẽ giúp cho các CTCK hưởng lợi từ tâm lý so sánh mặt bằng giá. Cổ phiếu của các CTCK đang hết room và các CTCK có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh sẽ thu hút dòng tiền trước tiên.
Y dược, hàng tiêu dùng
Nhóm ngành y dược và sản xuất hàng tiêu dùng đã đứng vững trong những năm qua và là động lực nâng đỡ thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nhờ vào hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ổn định, nhóm ngành này thường nhận được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài, với tỷ lệ sở hữu khá cao so với toàn thị trường. Vì thế, cổ phiếu của các DN này sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi quyết định nới "room" ngoại được thông qua.
Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu của nhóm ngành này đang ở mức cao tương đối so với mặt bằng chung toàn thị trường. Hơn nữa, do tính chất cơ bản ổn định và minh bạch nên dư địa tăng giá không quá cao và thường phù hợp với những NĐT dài hạn.
Xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông thủy sản
Do đặc thù hàng tồn kho cao, nhu cầu tích trữ nguyên liệu đầu vào lớn nên các DN xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông thủy sản thường có mức vay nợ cao. Nhóm DN này nhìn chung đã chịu nhiều khó khăn trong những năm vừa qua, khi giá hàng hóa giảm mạnh trên thị trường thế giới. Ngoại trừ một số DN có năng lực quản trị tốt, chiến lược kinh doanh hiệu quả và có phân khúc thị trường riêng như ABT, AGF, thì nhiều DN trong nhóm ngành này đã rơi sâu vào khủng hoảng như BAS (đã hủy niêm yết), ICF, VNH… Tuy nhiên, nhờ nỗ lực giải quyết khó khăn, không ít DN đã thành công bước đầu trong việc tái cơ cấu và giá cổ phiếu phục hồi đáng kể.
Các DN này sẽ được hưởng lợi từ chính sách kích thích xuất khẩu như cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, điều chỉnh tăng tỷ giá... Nếu tỷ giá USD/VND trong năm 2014 được điều chỉnh tăng trong giới hạn 2% như nhiều chuyên gia dự báo, thì các DN xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng được doanh thu bằng VND và tăng biên lợi nhuận gộp.
Đối với các DN xuất khẩu tôm, trong năm 2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công nhận tôm Việt Nam không bán phá giá ở giai đoạn 2011 - 2012. Mặc dù kết luận này chỉ tạm thời và áp dụng cho các hợp đồng đã xuất khẩu trước đây, nhưng giúp cho các DN xuất khẩu tôm có thể kỳ vọng vào mức thuế 0% trong thời gian tiếp theo, nếu điều kiện sản xuất và bán hàng của Việt Nam được duy trì ổn định.
Lê Văn Thanh Long - Chuyên gia cao cấp MBS
Xem tin gốc tại đây