Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Du lịch vẫn là mảnh đất “màu mỡ” để đầu tư tại thành phố Đà Nẵng
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 05/03/2024 Lượt xem: 166

Nhiều năm về trước, Đà Nẵng thường được biết đến như điểm trung chuyển trên Con đường di sản miền Trung (gồm Phong Nha Kẻ Bàng - Quảng Bình, Cố đô Huế - Thừa Thiên Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam), là điểm trung chuyển để đi đến Huế và Hội An, và khi nhắc đến du lịch biển người ta hay nhắc đến Nha Trang hoặc Vũng Tàu hơn địa danh Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đà Nẵng giờ đây đã chuyển mình và trở thành điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.


       Thành phố đã đạt được nhiều giải thưởng trên thế giới về du lịch như: Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á (Tạp chí World Travel Awards bình chọn năm 2016), Top 10 Điểm đến đáng sống và đầu tư nhất (Tạp chí Live and Invest Overseas bình chọn năm 2017), Top 10 Điểm đến hấp dẫn nhất (Airbnb bình chọn năm 2018), Top 52 Nơi đáng đến (Báo New York Times bình chọn năm 2019), Top 7 điểm đáng đến (TripAdvisor bình chọn năm 2020), Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu Châu Á năm 2022 (Tạp chí World Travel Awards bình chọn năm 2022), Top 10 Thành phố hàng đầu Đông Nam Á (Giải thưởng du lịch châu Á của Tạp chí Travel & Leisure năm 2022), Một trong những địa điểm lý tưởng trong kỳ nghỉ mát vào mùa hè (NZ Herald News của New Zealand xếp hạng năm 2023), Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024 (do tạp chí Condé Nast Traveller, CN Traveller công bố năm 2023),…Có thể nói, du lịch Đà Nẵng dù có sự khởi đầu muộn nhưng phát triển nhanh và hoàn thiện khi so sánh với nhiều địa phương khác trên cả nước.

          Những lý do nên đầu tư vào ngành du lịch tại Đà Nẵng

          1. Thành phố có vị trí địa lý thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên du lịch đa dạng, phong phú

          Ưu thế lớn của Đà Nẵng là bờ biển dài hơn 90km, với những bãi biển cát trắng mịn, sóng nước ôn hòa, không sâu và an toàn, thơ mộng với những hàng dừa nhiệt đới. Bãi biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển hấp dẫn nhất thế giới năm 2005 (Tạp chí Forbes, Hoa Kỳ bình chọn), Top 10 bãi biển hàng đầu châu Á (Báo cáo của Sunday Herald Sun, Úc năm 2009), Top 25 bãi biển hàng đầu châu Á (TripAdvisor bình chọn năm 2021). Đà Nẵng cũng có những bãi biển đẹp khác như Phạm Văn Đồng, Non Nước, Xuân Thiều, Nam Ô, …

          Bán đảo Sơn Trà không những là lá phổi xanh giữa lòng thành phố mà còn giàu tiềm năng du lịch. Theo thông tin của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà, hiện nay, Bán đảo Sơn Trà có 5 tuyến du lịch, với các điểm dừng chân tham quan như nhà Vọng Cảnh, Sân bay trực thăng cũ, đỉnh Bàn Cờ, điểm bay dù lượn, cây đa di sản Sơn Trà, di tích lịch sử Hang bà Đính, di tích lịch sử Mom Nở, khu Trường Mai - Nhất Lâm Thủy Trang Trà, tuyến du lịch đường thủy ven chân bán đảo Sơn Trà…Đây còn là địa điểm tuyệt vời để lặn ngắm san hô và câu cá cùng ngư dân, ngắm động vật hoang dã, trong đó có loài voọc chà vá chân nâu -  loài khỉ cựu thế giới có màu sắc rực rỡ nhất trong số các loài linh trưởng và đang ở mức độ nguy cấp, cần được bảo vệ trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới.

          Biển Đà Nẵng (ảnh sưu tầm)

            Thiên nhiên còn trao tặng cho thành phố cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn trong lòng thành phố, Bà Nà - núi Chúa đẹp tựa chốn bồng lai. Du lịch sinh thái với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ còn được đầu tư bài bản khác có thể kể đến như Khu du lịch Suối Lương, Khu du lịch Suối Hoa, Ngầm Đôi, Suối Khoáng nóng Phước Nhơn, Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài… Các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa dựa trên hệ thống dòng chảy của sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cổ Cò…cũng đang được đầu tư, phát triển.

          2. Tài nguyên văn hóa giàu tiềm năng, sản phẩm du lịch nhân tạo độc đáo

          Điều làm Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn hiện nay chính là nơi tập trung nhiều lễ hội hiện đại và truyền thống được tổ chức thường niên với loại hình đa dạng thể hiện được nét đẹp văn hóa của người Đà Nẵng, thu hút đông du khách thập phương đến tham gia và thưởng ngoạn như: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội cầu ngư, các lễ hội đình làng… Các làng nghề truyền thống như làng đá mỹ nghệ Non nước làng nghề nước mắm Nam Ô, làng nghề bánh tráng Túy Loan, làng chiếu Cẩm Nê, làng đan lát Yến Nê và văn hóa đồng bào Cơ Tu.

         Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (ảnh sưu tầm)

         Sự ảnh hưởng văn hóa của các vùng miền đã tạo cho Đà Nẵng một nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn dân dã, truyền thống, tươi ngon và giá cả phải chăng như: mỳ Quảng, bún chả cá, bánh xèo, bánh bèo, gỏi cá Nam Ô,…

          Sản phẩm du lịch nhân tạo nổi tiếng như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, quần thể du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí đẳng cấp bậc nhất Việt Nam, 04 năm liên tiếp từ năm 2015-2018 đã vinh dự đạt danh hiệu Khu du lịch hàng đầu Việt Nam, trải nghiệm những công trình, điểm đến độc đáo như làng Pháp – nơi tái hiện một nước Pháp cổ kính, lãng mạn hay Cầu Vàng – công trình được Tạp chí TIME vinh danh trong “TOP 10 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018” và trang The Guardian công nhận là “Cây cầu đi bộ ấn tượng nhất thế giới”.

          Ngoài ra có thể kể đến Linh Ứng Sơn Trà - ngôi chùa có tượng Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam, Mikazuki Resorts & Spa với Khu vui chơi công viên nước trong nhà lớn nhất Việt Nam, Công viên Châu Á với Vòng quay Mặt trời thuộc top những vòng quay cao nhất thế giới, …

          3. Đà Nẵng luôn khẳng định mình là một thị trường lớn trong ngành du lịch.

          Đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ nói chung, du lịch nói riêng, thị trường tiêu thụ, thể hiện ở số lượng và cơ cấu khách du lịch, đóng vai trò thiết yếu đối với quyết định đầu tư. Năm 2023, thành phố đón khoảng 7.396.000 lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa đạt 5.416.000 lượt, khách quốc tế đạt 1.980.000 lượt. Trong nhóm khách quốc tế, thị trường Hàn Quốc chiếm gần 50%, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, …Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch nội địa là 2,19 ngày; khách du lịch quốc tế là 2,59 ngày. Doanh thu lưu trú, lữ hành và ăn uống ướt đạt 27.839 tỷ đồng.

          Là một trong những đô thị lớn của cả nước, sự ổn định và quy mô lớn của thị trường khách đến với thành phố Đà Nẵng chính là điều kiện để các nhà đầu tư cân nhắc, xem xét để triển khai các dự án đầu tư tại Đà Nẵng.

          4. Thành phố có cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch phát triển đồng bộ, nguồn nhân lực đã qua đào tạo đông đảo

          Giao thông đến Đà Nẵng thuận tiện với đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển. Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng có tổng diện tích hơn 860ha, năng lực thiết kế nhà ga hiện tại phục vụ 10 triệu hành khách trên năm, có 7 đường bay nội địa, 16 đường bay quốc tế đang được khai thác (tần suất khoảng 350 chuyến bay quốc tế/ tuần), kết nối thành phố đến những thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Cảng Tiên Sa Đà Nẵng hiện có 4 cầu tàu với độ sâu thiết kế giao động từ 10-11m, năng lực khai thác tàu khách là 170.000 GT (LOA 348m), có khả năng đón nhiều tàu biển du lịch quốc tế. Tháng 01/2023, tàu biển du lịch 5 sao Westerdam của hãng tàu biển Holland America Line chở 2.000 khách du lịch chủ yếu đến từ Hà Lan và các nước Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Hungary, Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… cập Cảng Tiên Sa. Một số tàu biển lớn khác đã cập cảng trong thời gian qua như Resorts World One, Silver Whisper, Zhao Shang Yi Dun, ... Năm 2023, đã có hơn 18.000 lượt khách đến Đà Nẵng bằng đường biển.

          Tàu Westerdam cùng 2.000 du khách và 781 thuyền viên cập Cảng Tiên Sa (Nguồn: Cảng Đà Nẵng)

         Số phòng từ các cơ sở lưu trú đạt khoảng 47.000 phòng, có 33 khách sạn 5 sao và tương đương, 71 khách sạn 4 sao và tương đương. Công suất phòng bình quân đạt 46%. Có nhiều công ty lữ hành tại Đà Nẵng, số công ty lữ hành quốc tế là 316, nội địa là 117, và chi nhánh, văn phòng đại diện khác là 92.

          Để đảm bảo năng lực phục vụ du khách cho thành phố, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch dồi dào, đã qua đào tạo. Số hướng dẫn viên du lịch khoảng 5.700 người. Có nhiều cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng đào tạo ngành du lịch tại thành phố như các trường đại học: Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Duy Tân, Đông Á, …; các trường cao đẳng: Du lịch (chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Pegasus (Singapore), …; cung cấp hàng ngàn lao động cho ngành du lịch địa phương mỗi năm.  

          5. Đà Nẵng xác định du lịch là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế

          Nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gần đây nhất, tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi ngọn, là 01 trong 03 trụ cột phát triển kinh tế: “Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột Du lịch”. Du lịch cũng nằm trong nhóm 07 nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2021 – 2030 là “Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước”. Quy hoạch cũng đề ra nội dung tập trung phát triển 03 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ; phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống; định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.

          Trên cở sở các nghị quyết của Trung ương, UBND thành phố đã ban hành đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, thành phố trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.

          Đà Nẵng được xác định sẽ phát triển tập trung vào 4 nhóm không gian du lịch trọng điểm với 9 không gian du lịch chức năng gồm: nhóm không gian du lịch biển (không gian du lịch ven bờ đông và không gian du lịch vịnh Đà Nẵng); nhóm không gian du lịch đô thị (không gian du lịch đô thị trung tâm; không gian du lịch sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh; không gian “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch); nhóm không gian du lịch núi (không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía đông; không gian du lịch sinh thái phía tây); nhóm không gian du lịch liên ngành (không gian du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; không gian du lịch gắn với đổi mới sáng tạo).

          Quy hoạch không gian du lịch Đà Nẵng

           Thành phố tập trung phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với đặc thù từng không gian du lịch, định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (tàu thủy lưu trú du lịch), thiết kế sáng tạo, độc đáo, thân thiện môi trường; Phát triển Khu du lịch Sơn Trà và Nam Bán đảo Sơn Trà, Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà) thành khu du lịch dẳng cấp quốc tế; các điểm du lịch văn hóa – lịch sử; khu, điểm tham quan, du lịch vui chơi giải trí hiện đại và đặc sắc; khu điểm du lịch sáng tạo. Quy hoạch hạ tầng phục vụ tuyến tham quan, du lịch biển trên tuyến hàng hải quốc tế gắn với điểm du lịch biển đảo Hoàng Sa; đầu tư hoàn thiện hạ tầng để đưa các khu vực trung tâm thành phố thành điểm đến hấp dẫn du khách; phát triển du lịch thủy nội địa, đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước dọc sông Hàn và sông Cổ Cò; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các khu vực vùng núi huyện Hòa Vang, khu vực suối Lương, quận Liên Chiểu.

          Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch; hình thành văn hóa du lịch; xây dựng tiêu chuẩn du lịch chất lượng cao; xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch; quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

          Các sản phẩm du lịch đang được quan tâm đẩy mạnh triển khai để phát triển mạnh trong thời gian tới như du lịch sự kiện, du lịch cưới, du lịch ẩm thực, du lịch đêm, du lịch golf,…

          Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại thành phố Đà Nẵng

          Với những lý do nêu trên, các nhà đầu tư có thể vững tin vào những quyết định đầu tư của mình đối với thị trường du lịch Đà Nẵng. Thành phố dự kiến sẽ ưu tiên thu hút đầu tư 23 dự án du lịch thời kỳ 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bố trí trải đều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

IPA Đà Nẵng


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

주소

다낭 Tran Phu 24번지 행정 센터 18층

Quản lý nội dung HTML

문의하기

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

License No. 124/GP-STTT by Authority of Danang Department of Information and Communications issued on February 20, 2017

Subsidiary Responsible Person: Mrs. Huynh Lien Phuong - Director of Danang Investment Promotion Agency