Nhìn lại về quá khứ hào hùng trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng năm 1975, có thể thấy Đà Nẵng là một mắt xích quan trọng để đưa quân ta giành thế chủ động, tạo ra một vùng hậu phương vững chắc để làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Thực tế, khi các căn cứ của chính quyền tay sai Sài Gòn bị tan rã tại chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Bắc Trung Bộ, quân giải phóng đã tiến tới giải phóng thành phố Huế vào ngày 25-3-1975, làm cô lập hoàn toàn hệ thống quân địch tại Đà Nẵng. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "tử thủ" Đà Nẵng bằng mọi giá vì Đà Nẵng là căn cứ địa quân sự quan trọng nhất tại miền Trung Việt Nam. Trong tình cảnh ấy, Bộ Tổng tư lệnh với phương châm "nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng" đã quyết định tập trung lực lượng tiến công vào Đà Nẵng. Sáng 29-3, các cánh quân đồng loạt tiến đánh Đà Nẵng. Đến 15 giờ ngày 29-3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà; trong vòng 17 giờ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng. Chiến thắng Đà Nẵng đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy nhanh tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Một đơn vị quân giải phóng qua cầu Trịnh Minh Thế tiến vào Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Cảng Đà Nẵng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung Việt Nam - ẢNH: CẢNG ĐÀ NẴNG
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, nếu chỉ dựa vào vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phát triển, mà không đầu tư nghiên cứu và phát triển sức mạnh nội tại, không tự gây dựng cho mình trở thành một điểm đến hấp dẫn thì sẽ dẫn đến hiện tượng “lợi bất cập hại”. Ví dụ, 80% GDP của Panama - một quốc gia Mỹ La-tinh phụ thuộc vào kênh đào Panama (nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) và các dịch vụ liên quan đến kênh đào này như bảo hiểm, ngân hàng, logistics, du lịch … (nguồn: Trading Economics). Thử hỏi, nếu mất vị trí địa lý chiến lược này, nếu không có kênh đào Panama, nền kinh tế Panama sẽ còn lại những gì? So sánh với Singapore, nhờ vị trí địa lý then chốt, án ngữ eo biển Malacca, vào đầu thế kỷ XIX, đế quốc Anh đã chọn đây là nơi để phát triển cảng biển cho toàn vùng, giúp thương nhân Anh nghỉ ngơi và bảo vệ đội thương thuyền của đế chế Anh, cũng như ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh của người Hà Lan trong vùng. Tuy nhiên, sau khi độc lập, Singapore đã chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ đơn thuần còn là một cảng biển, mà đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn của thế giới với cơ sở hạ tầng hiện đại, có các ngành thương mại, công nghiệp, điện tử, du lịch và hàng loạt ngành kinh tế tri thức phát triển khác.
Nắm bắt sự cần thiết phải tạo ra những giá trị cạnh tranh cho thành phố, Đà Nẵng nỗ lực không ngừng để gây dựng, biến thành phố trở thành một điểm đến quan trọng, tạo ra thương hiệu của mình trên trường quốc tế.
Thành phố luôn đảm bảo và chứng tỏ năng lực là đầu mối giao thông quan trọng hàng đầu của cả nước. Cảng Đà Nẵng là cảng container được trang bị hiện đại ở khu vực miền Trung, là một trong những cảng thương mại lớn nhất Việt Nam. Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay lớn và hiện đại nhất cả nước, có công suất vào thời điểm trước COVID-19 năm 2019 là 897 chuyến bay quốc tế/tuần. Nhiều dự án trọng điểm giao thông khác đang được triển khai, bao gồm: Dự án Cảng Liên Chiểu (sau khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu công-ten-nơ có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus, tạo điều kiện để đưa Cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch hàng đầu cả nước); dự án Di dời Ga đường Sắt, dự án Đường hầm qua sân bay Đà Nẵng, ...
Cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đưa vào hoạt động ngày 28/3/2022. Ảnh: Tấn Lực (Báo Tuổi trẻ)
Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, công nghệ thông tin cũng được phát triển. Thành phố hiện có 06 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (1.066,52 ha), 01 Khu Công nghệ cao (1.128,4 ha) và các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư như Khu Công viên phần mềm số 1 và số 2, Khu Công nghệ thông tin tập trung, FPT Complex. Trong đó, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là 1 trong 3 Khu CNC của cả nước nhận cơ chế đặc thù của Chính phủ với diện tích hơn 1.200 ha; cơ sở hạ tầng tập trung hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà đầu tư; chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong vòng 15 năm, đối với các dự án lớn là 10% trong 30 năm); miễn tiền thuê đất cho các dự án sản xuất tối đa là 50 năm; thủ tục hành chính được cắt giảm và triển khai tiếp nhận trực tuyến. Khu CNC tập trung thu hút ở các lĩnh vực: tự động hóa, cơ khí chính xác, nghiên cứu thiết kế và phát triển sản phẩm điện tử, vi mạch điện tử tích hợp, chế tạo điện tử linh hoạt… Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng là một trong bốn khu CNTT tập trung lớn của cả nước, đầy đủ các phân khu chức năng đạt chuẩn quốc tế; nghiên cứu - phát triển, ứng dụng, chuyển giao về CNTT, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ CNTT… Doanh nghiệp đầu tư vào khu CNTT hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm (4 năm đầu sau khu có doanh thu: miễn thuế; 9 năm tiếp theo: giảm 50% với mức thuế áp dụng: 5%; 2 năm tiếp theo: mức thuế áp dụng: 10%). Miễn phí sử dụng hạ tầng trong thời gian xây dựng, nhiều ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu và sử dụng dịch vụ khác.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, thành phố còn chú trọng đến cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực để cung ứng cho nhà đầu tư. Trong thời gian qua, thành phố luôn cố gắng tạo môi trường đầu tư thông thoáng thông qua việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn đọng; hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong thủ tục hành chính, tiến đến đơn giản hóa một cách triệt để tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đà Nẵng còn là “cái nôi” giáo dục của khu vực miền Trung, Tây Nguyên với 16 trường đại học và phân hiệu các trường đại học, hơn 70 trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm đào tạo nghề sẵn sàng đáp ứng một nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cao.
Thành phố có môi trường sống và chất lượng sống tốt, là thành phố thứ 2 của Việt Nam được trao tặng giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường, là một trong 20 thành phố sạch nhất thế giới do hàm lượng carbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất vào năm 2012 và đạt danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia năm 2018”.
Dịch vụ chất lượng cao cũng là một trong những lĩnh vực được Đà Nẵng quan tâm đẩy mạnh, làm nền tảng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh giáo dục chất lượng cao, thành phố tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch; đồng thời đề xuất hình thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực châu Á cũng như các dịch vụ logistics, thương mại, y tế.
Thành phố luôn nhận được sự quan tâm trong công tác định hướng từ Trung ương. Ngày 24-01-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Đây là sự định hướng đúng đắn của Trung ương dành cho thành phố Đà Nẵng, khẳng định vai trò, vị trí của thành phố đối với sự phát triển của vùng và của cả nước.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) tháng 9-2020 đã nhấn mạnh nội dung đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát triển nhanh và bền vững, có bản sắc riêng, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Ngày 26-02-2021, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 641/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2025 với 57 dự án trong các lĩnh vực. Đây là các dự án quan trọng, đóng góp vào công cuộc hiện thực hóa Nghị quyết 43-NQ/TW, đưa Đà Nẵng sớm trở thành hạt nhân kinh tế như Trung ương kỳ vọng.
Với những thế mạnh và tiềm năng phát triển, Đà Nẵng xứng đáng là một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, du khách tại Việt Nam.
Chi đoàn Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (Duy Hòa)