1. Giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều hàng hóa, dịch vụ
Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết 406 về giảm nhiều loại thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng.
Kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau:
- Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác);
- Dịch vụ lưu trú;
- Dịch vụ ăn uống;
- Dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
- Sản phẩm và dịch vụ xuất bản;
- Dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí;
- Dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
Về mức giảm, tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng như sau: Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỉ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.
2. Sửa đổi quy định về tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
Ngày 28-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Theo đó, đến hết ngày 31-12-2023, tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được giảm 80%. Cụ thể: mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa 20 triệu đồng (mức cũ là 100 triệu đồng); mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 50 triệu đồng (mức cũ là 250 triệu đồng). Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng). Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng).
Từ ngày 1-1-2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017.
3. Hướng dẫn về thuế Thu nhập doanh nghiệp với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu
Từ ngày 01/11/2021, Thông tư 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014, có hiệu lực thi hành.
Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN như sau:
(1) Cơ sở được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại theo quy định về thuế TNDN kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ bao gồm:
+ Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.
+ Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013.
+ Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.
(2) Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế TNDN còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế TNDN phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.
- Cơ sở trên nếu có thuế TNDN phát sinh tại mục (2) thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền TNDN tạm thời chưa truy thu cho đến 01/11/2021.
Từ ngày 02/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế TNDN tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).
4. Quy định về Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI
Ngày 30/9/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 15/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25-5-2012 của Thống đốc NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thông tư bổ sung khoản 1b vào sau khoản 1a Điều 15 về thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), DN đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng Theo đó, hồ sơ
tử được sử dụng chữ ký số gửi trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc hệ thống xử lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp sự cố hoặc có lỗi sẽ được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của NHNN.
Theo quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ lập và gửi 01 bộ hồ sơ về NHNN. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN sẽ xem xét cấp hoặc từ chối cấp phép Giấy nhập khẩu vàng.
Đối với thủ tục điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái sản xuất sản phẩm, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ trả lời cấp hoặc từ chối cấp trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20-11-2021.
5. Cách xác định chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2021/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng
Cụ thể, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng xác định như sau:
- Đối với các công việc tư vấn đã được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng thì chi phí thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các công việc tư vấn như:
Quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì; khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa, thí nghiệm phục vụ công tác tư vấn bảo trì công trình và một số công việc tư vấn khác đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các công việc tư vấn sau đây thì xác định bằng lập dự toán:
+ Lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình (trường hợp chưa có quy trình bảo trì) hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng;
+ Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì;
+ Kiểm tra công trình đột xuất theo yêu cầu;
+ Đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình vận hành, sử dụng và các công việc tư vấn áp dụng định mức đã được quy định nhưng không phù hợp.
- Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình thì:
Chi phí tư vấn phục vụ sửa chữa xác định trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình.
Thông tư 14/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/11/2021 và thay thế Thông tư 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017.
6. Bảo vệ việc làm cho người lao động là người tố cáo
Từ ngày 01/01/2021, Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ chính thức có hiệu lực, với quy định mới liên quan đến bảo vệ việc làm người tố cáo là người đang làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp.
Theo Thông tư này, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động, thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan liên quan để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao đông.
Thông tư mới này đã không còn quy định Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp.
7. Quy định về Quy trình tiếp công dân
Thông tư 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân có hiệu lực từ 15/11. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cấp dưới. Người đứng đầu có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau đó của các cơ quan, đơn vị. Việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được công chức, viên chức giúp việc ghi chép đầy đủ vào sổ hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hoặc phần mềm quản lý và được lưu tại nơi tiếp công dân... Kết thúc việc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ra thông báo kết luận.
Thông tư cũng nêu rõ người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân, giải thích lý do đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân khi:
- Người đến nơi tiếp công dân trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.
(IPA Đà Nẵng tổng hợp)