Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh (giữa) nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020) do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức ngày 24-11. Ảnh: KHANG NINH |
Giải thưởng danh giá
Năm 2020, giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” lần đầu tiên tổ chức với mục đích đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam; đồng thời tuyên dương, tôn vinh các thành tựu, thúc đẩy sự phát triển của các thành phố, đô thị.
Bộ tiêu chí đánh giá, bình chọn cho nhóm thành phố thông minh được xây dựng dựa trên quan điểm chỉ xét thực tế việc ứng dụng các sản phẩm, giải pháp công nghệ tại các thành phố, tạo thêm nhiều giá trị, sáng tạo, linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả cho việc hoạch định, xây dựng, quản lý các thành phố; đem lại sự thoải mái, thịnh vượng, an toàn, tiện ích cho người dân và phát triển doanh nghiệp.
Nhóm gồm các tiêu chí như hành lang pháp lý; thực tế xây dựng và triển khai các đề án thành phố thông minh của địa phương; ứng dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển thành phố; mức độ hoàn thiện của chính quyền điện tử; các ứng dụng, tiện ích thông minh cho người dân và doanh nghiệp; bảo mật an toàn thông tin; khả năng tiếp cận cơ hội số của người dân...
Riêng đối với giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp sáng tạo”, tiêu chí đánh giá gồm các chính sách; các chương trình hỗ trợ; các hoạt động ươm tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp; số lượng vốn kêu gọi... Hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia uy tín, có chuyên môn cao từ các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đô thị thông minh, quản lý, công nghệ, viễn thông... đến thẩm định thực tế và nghe thuyết trình trực tiếp tại đơn vị hoặc nghe thuyết trình và thẩm định qua các nền tảng họp trực tuyến.
TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn chung tuyển cho biết, giải thưởng Thành phố thông minh sẽ giúp chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức tăng cường hợp tác, học hỏi, đề xuất các mô hình triển khai hiệu quả, đẩy nhanh việc ứng dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ vào việc phát triển các hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh cho các đô thị, làm bệ phóng để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Giải thưởng sẽ là một trong những động lực thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Để có được thành quả này, Đà Nẵng đã trải qua chặng đường một thập kỷ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Năm 2010, UBND thành phố ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử Đà Nẵng. Bốn năm sau, Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn được ban hành, trở thành cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp với các doanh nghiệp CNTT triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh.
Đến năm 2018, kế thừa kết quả đạt được trong giai đoạn trước đó, kết hợp với nghiên cứu, tham khảo các mô hình, tiêu chuẩn thành phố thông minh trên thế giới và thực tiễn, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, UBND thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, tập trung vào 16 lĩnh vực chuyên ngành thuộc 6 trụ cột, gồm: quản trị, kinh tế, môi trường, đời sống, giao thông và công dân.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh nhận định, ứng dụng CNTT - truyền thông của Đà Nẵng tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và trở thành “công cụ lõi” trong các hoạt động quản lý Nhà nước và cải cách hành chính. Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các ứng dụng thông minh của thành phố được xây dựng, đưa vào vận hành hiệu quả, góp phần hỗ trợ việc ra quyết định, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, phục vụ an sinh xã hội, tiến đến một thành phố thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.
Ba trụ cột của thành phố thông minh
Các ứng dụng thông minh là công cụ để tiến đến một thành phố thông minh. TRONG ẢNH: Giới thiệu về một ứng dụng “made in Đà Nẵng” tại Hội nghị cấp cao về thành phố thông minh 2019 tại Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH |
Việc triển khai chính quyền điện tử - thành phố thông minh của Đà Nẵng được xác định theo 3 trục là hạ tầng, dữ liệu và thông minh. Về hạ tầng, thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 350km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị với băng thông kết nối mạng 1Gbps – 20Gbps, kết nối tập trung ra Internet với băng thông lên đến 4,5Gbps.
Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng lưu trữ đến 170 TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đang được nâng cấp, mở rộng để xây dựng thành phố thông minh. Đà Nẵng cũng đã thí điểm lắp đặt hệ thống truyền dẫn LoRa tại một số địa điểm để hỗ trợ kết nối với chi phí thấp và vùng phủ sóng rộng (thay vì dùng công nghệ 3G, 4G). Ngoài ra, thành phố còn phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) như Trung tâm an ninh trật tự, Trung tâm giao thông thông minh, Trung tâm quan trắc môi trường nước và không khí…
Về dữ liệu, Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu nền như cơ sở dữ liệu công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ - công chức - viên chức, thủ tục hành chính. Thành phố đã ứng dụng xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý Nhà nước chuyên ngành để hình thành 135 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đà Nẵng đã hình thành Kho dữ liệu dùng chung (khodulieu.danang.gov.vn), đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở (opendata.danang.gov.vn).
Đối với trục thông minh, Đà Nẵng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, ứng dụng một cửa điện tử, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố. Đồng thời, xây dựng hàng loạt ứng dụng trong các lĩnh vực như ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch, sàn thương mại điện tử thành phố, nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường, hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử…
Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành 10/13 nhóm mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Đề án xây dựng Thành phố thông minh; hoàn thành sớm 11/13 nhiệm vụ giao các địa phương đến năm 2025 tại Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành đưa vào sử dụng hầu hết các hợp phần của nền tảng đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, trong từng giai đoạn, thành phố đã xây dựng những bộ tài liệu định hướng về mô hình, quy trình và công nghệ để phát triển. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư được đa dạng hóa, trong đó có vốn ngân sách, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, nguồn vốn từ nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cùng với đó, Đà Nẵng cũng gặp những khó khăn, đặc biệt là trong việc bảo đảm tính liên thông dữ liệu giúp hệ thống không bị “bỏ đói”.
Dữ liệu có vai trò quyết định để thông minh hóa hệ thống, đòi hỏi nhân lực trình độ cao, chuyên môn sâu. Song, nguồn nhân lực này đang khan hiếm, chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận, vận hành hệ thống CNTT phục vụ cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ: “Việc xây dựng thành phố thông minh là quá trình lâu dài. Khung kiến trúc tổng thể là mô hình để định hướng; lộ trình là để cam kết, thể hiện các bước đi cụ thể của thành phố; đa đối tác tạo nên sự đồng hành của cộng đồng, hạn chế thấp nhất các rủi ro trong triển khai”.
Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng; đến năm 2030, thông minh hóa ứng dụng cộng đồng. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Nguồn: baodanang.vn