Các nhà quản lý, nhà đầu tư tâm huyết với Đà Nẵng
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, Đà Nẵng cần quan tâm đến việc cụ thể hóa được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; tạo lập được một không gian phát triển tổng thể, bố trí các khu chức năng đô thị đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như bảo đảm đời sống cho người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nhưng cần có bản sắc riêng; tập hợp các ý kiến, trí tuệ của chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhân dân vào phát triển thành phố. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ tối đa cho thành phố trong quy hoạch và phát triển. “Với sự quyết tâm, dám làm, dám hành động, Đà Nẵng sẽ sớm trở thành đô thị có cực tăng trưởng lớn, có tầm vóc trong nước và quốc tế", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda, Đà Nẵng và Nhật Bản đang hợp tác sâu sắc trong nhiều lĩnh vực như giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng của Nhật Bản, tăng cường giảng dạy tiếng Nhật và xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Quốc hội Nhật Bản đang xem xét thành lập văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, với mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch và đầu tư giữa Nhật Bản và Đà Nẵng. Cùng mong muốn thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ông Tan Weiming, Đại biện lâm thời Đại sứ quán nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam, cho biết, Singapre sẽ mở rộng đầu tư, hợp tác với Đà Nẵng trong thời gian đến. Doanh nghiệp Singapore cam kết đầu tư lâu dài, hiệu quả tại Đà Nẵng, góp phần đem lại lợi ích, sự phát triển cho cả hai bên.
Với mong muốn mở trung tâm thương mại chuyên kinh doanh các mặt hàng giảm giá của các thương hiệu lớn trên thế giới nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, khách du lịch, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho rằng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề mặt bằng. “Doanh nghiệp không xin thành phố cấp đất, chúng tôi sẵn sàng đấu giá để thuê đất khi có mặt bằng thích hợp”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng cho rằng, Đà Nẵng cũng cần sớm quy hoạch nhà ga T3 sân bay quốc tế Đà Nẵng với tầm nhìn xa như 2045, nhằm tăng cường khả năng vận tải đường hàng không, điều đó đồng nghĩa với việc tăng lượng du khách và nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. "Chúng tôi chờ đợi để có thể đầu tư vào Đà Nẵng, vì nhìn thấy tiềm năng lớn của thành phố này trong tương lai", ông Jonathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Yêu mến vẻ đẹp thiên nhiên, con nhiều Đà Nẵng, trân trọng những định hướng mang tầm chiến lược của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một Thành phố môi trường, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam, cho rằng, để hoàn thành mục tiêu mang tính tiên phong, bền vững này, cần sớm giải quyết những vấn đề tồn tại của môi trường thông qua các dự án khả thi trên cơ sở quy hoạch tổng thể và một nguồn lực đầu tư rất lớn. Xã hội hóa để huy động nguồn lực từ xã hội đầu tư vào hệ thống hạ tầng, trong đo ưu tiên về xử lý môi trường, là chủ trương rất phù hợp. Tập đoàn Đại Nam mong muốn được hợp tác, đầu tư vào Đà Nẵng thông qua các dự án xử lý nước thải với cam kết giữ gìn nguồn nước bằng giải pháp tối ưu nhất.
Chia sẻ về quan điểm quy hoạch đô thị, ông Philip Tan, Giám đốc điều hành Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) cho rằng, khi hình thành các đô thị, các cộng đồng có vai trò rất quan trọng, hỗ trợ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Do đó, việc lập quy hoạch và cấu trúc của những đô thị này cần phải được cân nhắc để có thể cải thiện sự hội nhập, tính kết nối, hiệu quả và giá trị đất. Để phù hợp với tầm nhìn của thành phố Đà Nẵng năm 2030-2045, Surbana Jurong xác định, ưu tiên số một là phát triển quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng nhằm tạo ra các vùng đô thị thông minh và bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng và hỗ trợ cho các mục tiêu và thời gian của các bên liên quan. Trong đó, 3 thành tố quan trọng là: đổi mới sáng tạo, công nghệ và tính bền vững.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư tại thành phố
Tại Tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ một lần nữa khẳng định, những thành quả phát triển Đà Nẵng đạt được trong những năm qua có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò tiên phong và quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Với quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Đà Nẵng, ở lại Đà Nẵng lâu dài, trong năm qua, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 294 kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có 134 kiến nghị, đề xuất tại “Tọa đàm mùa Xuân 2018”; 78 đề xuất, hiến kế tại Hội nghị PCI và 82 kiến nghị, vướng mắc gửi đến các sở, ngành có liên quan. Đối với các kiến nghị cụ thể, lãnh đạo Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và chỉ đạo các sở, ngành xử lý triệt để, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đối với các ý kiến đề xuất, đóng góp của doanh nghiệp, UBND thành phố đã giao các sở, ngành tiếp thu, tham mưu sửa đổi các chính sách của thành phố, đồng thời với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư và hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại chỗ.
Phát biểu tại Tọa đàm, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Trương Quang Nghĩa ghi nhận và tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với thành phố. Theo Bí thư, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp đối với thành phố Đà Nẵng là rất đậm nét. Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng với chính quyền trong xây dựng và phát triển thành phố, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã hội hóa dịch vụ công, giải quyết việc làm và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tạo nên những bước tiến nhảy vọt, ấn tượng.
Vui mừng chứng kiến 8 dự án đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn gần 490 triệu USD; trao Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư đối với 11 dự án, với tổng vốn gần 3,5 tỷ USD, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhìn nhận, các dự án nêu trên đã theo đúng chủ trương, định hướng và lĩnh vực thành phố tập trung phát triển thời gian đến. Đồng thời đề nghị, Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các dự án này được triển khai đúng kế hoạch và cam kết.
Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, năm 2019, thành phố quyết tâm triển khai các chương trình hành động cụ thể để xây dựng và thiết lập một môi trường đầu tư thật sự minh bạch và trong sạch; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, không chỉ đối với các nhà đầu tư lớn, chiến lược mà còn thực sự quan tâm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trở thành các doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế thời gian đến. Không chỉ giới hạn trong buổi Tọa đàm, thành phố sẽ duy trì các kênh thông tin, đặc biệt các cuộc làm việc, trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ được tăng cường.
“Chúng ta không thể để thời gian trôi qua một cách lãng phí, vô ích. Đó là cam kết của cá nhân tôi, nhằm lắng nghe, với tinh thần cầu thị các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, cũng trách nhiệm, thẳng thắn tư vấn, hiến kế giúp lãnh đạo thành phố những giải pháp thiết thực, hiệu quả, những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, nhất là trong việc tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo” Bí thư Trương Quang Nghĩa gởi gắm đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
NGÔ HUYỀN (Cổng Thông tin điện tử thành phố)