Năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 dẫn đầu cả nước trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố chỉ số PCI, Đà Nẵng được các doanh nghiệp vinh danh vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI với số điểm 70.
Điểm tổng hợp chung của Đà Nẵng năm nay tăng 1,36 điểm, cao hơn điểm trung vị PCI của cả nước 11,8 điểm và có 7/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2015. Trong đó, một số chỉ số tăng đáng kể như Tính năng động của chính quyền tăng từ 6,17 điểm lên 7,06 điểm (0,89 điểm), chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 4,77 điểm lên 5,45 điểm. Bên cạnh đó, các chỉ số như: Đào tạo lao động, Chi phí thời gian, Thiết chế pháp lý, Chi phí không chính thức, Gia nhập thị trường đều có số điểm cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, ba chỉ số còn lại là Tiếp cận đất đai, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Tính minh bạch có sự giảm điểm theo thứ tự là 0,06; 0,07; 0,11 điểm.
Kết quả xếp hạng PCI của Đà Nẵng thể hiện sự ghi nhận việc cải thiện thủ tục hành chính có hiệu quả trong năm 2016 của thành phố trên một số lĩnh vực như: Cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, đất đai, đào tạo lao động…
Ngoài Đà Nẵng, trong nhóm rất tốt thì vị trí thứ 2 và 3 thuộc về Quảng Ninh (65,60 điểm) và Đồng Tháp (64,96 điểm). Đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm nay là tỉnh Cao Bằng (52,99 điểm).
Kết quả khảo sát PCI toàn quốc từ 10.037 doanh nghiệp dân doanh cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Những chuyển biến tích cực so với năm 2015 là ở tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là những trở ngại chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điểm mới của Báo cáo PCI 2016 là lần đầu tiên dành một chương đánh giá về cảm nhận của doanh nghiệp về vấn đề môi trường. Kết quả điều tra cho thấy 45% doanh nghiệp trong nước và 50% doanh nghiệp FDI đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm.
Riêng về cảm nhận của khu vực doanh nghiệp FDI, qua khảo sát thu thập ý kiến của 1.550 doanh nghiệp đến từ 46 quốc gia khác nhau đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất, kết quả điều tra PCI-FDI năm 2016 cho thấy có nhiều điểm được cải thiện và có xu hướng tốt hơn cho nhà đầu tư.
Năm 2016, 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 63% tuyển thêm lao động mới. Số lượng việc làm theo điều tra PCI-FDI được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các quy định về gia nhập thị trường, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành năm 2016 đã góp phần giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Hơn 90% doanh nghiệp FDI có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng ba tháng, kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Khoảng 40% doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động trong vòng chỉ một tháng, đây là tỉ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được. 56% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng các cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp, giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2015.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức. Năm 2016, 72% doanh nghiệp cho biết họ mất hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng đáng lẽ được dùng để quản lý và phát triển doanh nghiệp. Có khoảng gần 5% doanh nghiệp FDI bị thanh tra, kiểm tra trên 8 lần. Đứng đầu danh mục phiền hà là các thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan…
IPA Đà Nẵng