Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
Người đăng tin: Phúc Hoàng Lê Ngày đăng tin: 17/01/2023 Lượt xem: 41

Từ câu chuyện mối quan hệ tương hỗ giữa hoạt động xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đến câu chuyện xúc tiến đầu tư hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng; và một số gợi mở về định hướng xúc tiến đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới


1. Từ câu chuyện mối quan hệ tương hỗ giữa hoạt động xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ…

Trên website của Diễn đàn kinh tế thế giới ngày 19 tháng 7 năm 2022, tác giả A. Burak Dağlıoğlu, Giám đốc Văn phòng Đầu tư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có một bài viết khá nổi bật đó là: “Các quốc gia cần vào cuộc để thu hút đầu tư trong kỷ nguyên khởi nghiệp toàn cầu”[1]. Trong bài viết, tác giả đã chứng minh 02 luận điểm về mối quan hệ khá “biện chứng” chặt chẽ giữa xúc tiến đầu tư và hoạt động khởi nghiệp như sau:

(1) Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực chính thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia trên thế giới.

(2) Sự tăng cường yếu tố cạnh tranh và toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới đồng nghĩa với việc cạnh tranh đối với đầu tư nước ngoài ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết giữa các quốc gia với nhau. Để nâng cao tính cạnh tranh đó, các quốc gia nên thiết lập và phát triển các cơ quan xúc tiến đầu tư (IPAs) chuyên trách với hiểu biết chuyên sâu về thực trạng khởi nghiệp quốc gia mình để có những đối sách phù hợp trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nói ngắn gọn, khởi nghiệp sẽ là một trong những động lực để thu hút đầu tư FDI; đồng thời, với sự phát triển của các cơ quan xúc tiến đầu tư (IPAs) sẽ hỗ trợ đắc lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.

Minh chứng cho nhận định trên, tác giả đã nêu ra câu chuyện thành công của các công ty khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2011-2021 với kết quả huy động vốn là 2.3 tỷ USD và thực hiện các giao dịch với tổng giá trị đến 6.4 tỷ USD. Các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu trung bình từ 100 - 150 triệu USD mỗi năm đã tăng vọt lên 1.6 tỷ USD vào năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19. Động lực tăng trưởng đó cũng tiếp tục kéo dài đến năm 2022, đạt 1,2 tỷ USD trong quý I năm 2022. Đây là một thành tựu khá đáng chú ý hoạt động khởi nghiệp của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, bởi chỉ cách một thập kỷ trước, hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia này hầu như chưa tồn tại.

Thông qua quá trình phát triển cả về lượng và chất của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã tạo nên sức hút lớn đối với nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư quốc tế toàn cầu, kích thích hình thành nhiều dự án FDI mới có liên quan đến chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị mới có liên quan. Bởi tham gia đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ phép các nhà đầu tư tiếp cận được các công nghệ mới tiên tiến; cũng như đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình, chuyển hướng sang các ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao.

Ở chiều ngược lại, Burak Dağlıoğlu cũng đã trình bày vai trò của công tác xúc tiến đầu tư trong hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Văn phòng xúc tiến đầu tư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho việc kết nối giữa các công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đáng kể vào việc phát triển mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư đa phương và song phương cụ thể, Văn phòng xúc tiến đầu tư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và địa phương; từ đó tạo ra nhiều nguồn lực tăng trưởng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2. … Đến câu chuyện xúc tiến đầu tư hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng…

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, tính đến năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đã từng bước phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Cụ thể, thành phố đã thành lập 01 Trung tâm tham mưu hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 04 quỹ đầu tư, 06 vườn ươm doanh nghiệp, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 02 không gian sáng tạo, 09 không gian làm việc chung; 22 trường đại hoc, cao đẳng có các hoạt động khởi nghiệp… Các hệ thống vườn ươm doanh nghiệp đã ươm tạo gần 150 dự án; 57 doanh nghiệp được hình thành; 50 sản phẩm thương mại hóa… Thành phố đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng thông qua việc tài trợ trực tiếp cho các chương trình đào tạo của các vườn ươm.

Để từng bước hiện thực hóa một trong những những mục tiêu mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp một cách đồng bộ. Đặc biệt, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 về việc triển khai thực hiện chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”. Ngày 29/4/2020, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 2812/KH-UBND để triển khai Chương trình số 36 của Thành ủy, với nhiều nhóm giải pháp cụ thể như: tăng cường truyền thông hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối mạng lưới khởi nghiệp của Đà Nẵng với khu vực, trong nước và quốc tế, xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước; hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Thực hiện các chủ trương của thành phố về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong thời gian qua, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ được phân công liên quan đến việc lồng ghép việc thu hút các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế đến ươm tạo và khởi nghiệp tại Đà Nẵng vào các chương trình xúc tiến đầu tư của thành phố. Đồng thời, Ban đã phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc kêu gọi đầu tư triển khai dự án mở rộng khu công nghệ thông tin tập trung và một số cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 của thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện thu hút các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế đến ươm tạo và khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Tham mưu UBND thành phố ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 với 36 dự án, làm cơ sở để thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư vào thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung được duyệt, Ban đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch xúc tiến các dự án ưu tiên đầu tư ngoài ngân sách tại Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 05/01/2022 để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình đối với công tác xúc tiến, quảng bá đầu tư các dự án trọng điểm, phù hợp quy hoạch được duyệt.

Ban cũng đã chủ trì tổ chức và tham mưu UBND tổ chức thành công 14 hội nghị, hội thảo trong  nước và nước ngoài[2]; các buổi họp và làm việc với 60 lượt nhà đầu tư nhà đầu tư đang quan tâm đến môi trường đầu tư của thành phố, thực hiện các chuyến khảo sát thực địa, giới thiệu địa điểm đầu tư. Thường xuyên trao đổi thông tin, kết nối, làm việc với với các tham tán đầu tư, thương mại Việt Nam tại các nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và quốc tế (VCCI, AHK, JETRO, KOTRA, HKTDC, EUROCHAM, AMCHAM, JCCID…), các công ty tư vấn đầu tư đa quốc gia nhằm quảng bá tiềm năng, môi trường và các cơ hội đầu tư, cơ hội hợp tác đối với các đề án, dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, nhằm triển khai tốt hơn công tác truyền thông, quảng bá môi trường đầu tư thành phố, Ban đã phát hành bộ tài liệu gồm: sách giới thiệu Đà Nẵng, tờ rơi trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: công nghệ cao, công nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, thương mại, logistics, du lịch; danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố, xây dựng mới phim quảng bá đầu tư Đà Nẵng 2022; triển khai nghiên cứu, xây dựng Bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư vào thành phố Đà Nẵng… Thông qua các hoạt động trên, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố đã góp phần quảng bá môi trường đầu tư thành phố nói chung và hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nói riêng.

 

Ảnh minh họa: Lễ ra mắt Làng Công nghệ Metaverse tại Đà Nẵng tháng 6 năm 2022

3. … Một số gợi mở về định hướng xúc tiến đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng, sau một quá trình hình thành và phát triển một cách chính thức trong gần một thập kỷ qua, đã và đang đạt nhiều kết quả đáng trân trọng, với một số doanh nghiệp khởi nghiệp khá thành công như: Datbike, Cashbag, BotStar, Hekate, EM&AI… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có nhiều hơn nữa doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, thậm chí là vươn tầm đẳng cấp khu vực Châu Á và thế giới, có nhiều đóng góp thiết thực về mặt công nghệ, giải quyết những thách thức đặt ra từ đời sống?

Để trả lời câu hỏi trên, đòi hỏi thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai hệ thống các giải pháp, chính sách đã ban hành như đã đề cập ở phần hai một cách đồng bộ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở khía cạnh hợp tác quốc tế để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố với thế giới để tranh thủ hơn nữa các nguồn ngoại lực.

Thực tiễn và lý luận đã chứng minh vai trò hỗ trợ kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế của các cơ quan xúc tiến đầu tư. Do đó, từ góc độ xúc tiến đầu tư, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư rất cần quan tâm, tăng cường hiểu rõ hơn nữa về khả năng cũng như nhu cầu thực tiễn đặt ra từ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy hơn nữa vai trò trung gian trong việc kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt là cộng đồng đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm các dự án tạo ra giá trị mới và bền vững trên thế giới. Cụ thể, có thể tham khảo một số định hướng về tăng cường công tác xúc tiến đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sau:

Thứ nhất, củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan xúc tiến đầu tư và các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm, trong tổ chức các hoạt động xúc tiến cũng như tiếp đón các nhà đầu tư lớn đến với Đà Nẵng, sẽ có nhiều hơn nữa các chuyên đề xúc tiến, cũng như tiếp cận mời gọi các đối tác quốc tế chuyên nghiệp và có thực lực về đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp được tham gia trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố. Và ở chiều ngược lại, từ phía cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (có thể thực hiện thông qua Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố) cần định kỳ cung cấp cụ thể và đầy đủ những thông tin về năng lực, khả năng cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế, tìm kiếm đối tác quốc tế cho các cơ quan xúc tiến đầu tư (chủ trì là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố). Từ đó, tích hợp hiệu quả vào trong chương trình xúc tiến đầu tư thành phố nội dung thu hút đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, hiện nay thành phố đã ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 với 36 dự án cụ thể liên quan đến 9 lĩnh vực. Trong đó có một số dự án nếu được thực hiện sẽ có tác động tích cực trong việc tạo lập cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Có thể kể ra một số dự án quan trọng như: Dự án Trường cao đẳng đào tạo lao động tay nghề cao theo chuẩn quốc tế và khu vực (ở khu vực phía Đông Khu công nghệ thông tin tập trung/Khu công nghệ cao Đà Nẵng); Dự án Không gian sáng tạo (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); Dự án Khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT; Khu R&D, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (trong khu CNTT tập trung Đà Nẵng)… Do đó, rất cần sự quan tâm đẩy nhanh tiến độ công tác xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các dự án này trong thời gian tới.

Thứ ba, ngoài việc xúc tiến triển khai các dự án FDI trên địa bàn thành phố (Greenfield FDI), các cơ quan xúc tiến đầu tư thành phố có thể nghiên cứu, tiếp cận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các nhà đầu tư có uy tín, những công ty đa quốc gia tham gia việc góp vốn, mua cổ phần đối với các dự án khởi nghiệp trong nước (một trong các hình thức của giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A)). Thông qua đó, góp phần nâng cao chất và lượng của các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố trong thời gian đến.

Có thể nói, trong quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, cùng với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế có một mối quan hệ biện chứng, tác động chặt chẽ lẫn nhau. Nếu được nhìn nhận đầy đủ và triển khai một cách phù hợp thì sẽ mang lại nhiều nguồn lực phát triển mới cho thành phố Dà Nẵng. Trong quá trìn thực thi chính sách, thành phố cần thường xuyên lắng nghe ý kiến từ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để có những điều chỉnh, cập nhật chính sách một cách phù hợp, kịp thời để thích nghi và phát triển trong một môi trường toàn cầu còn rất nhiều biến động và bất định như hiện nay.

Hoàng Phúc

Tài liệu tham khảo

- Báo cáo công tác xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2022

- Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021 (The state of Turkish Startup Ecosystem 2021)

- Diễn đàn kinh tế thế giới: https://www.weforum.org/agenda/2022/07/globalized-startup-countries-attract-fdi/ 

- Báo Đà Nẵng: https://baodanang.vn/channel/5404/202210/giai-phap-ho-tro-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-3927655/

 

[1] A. Burak Dağlıoğlu, “In the era of the global start-up, countries must step up their game to attract FDI”, https://www.weforum.org/agenda/2022/07/globalized-startup-countries-attract-fdi/

[2] Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến “Đà Nẵng, Bình Dương: Điểm đến đầu tư” ngày 01/3/2022; Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tổ chức sự kiện “Kết nối doanh nghiệp Hà Lan – Đà Nẵng” ngày 24/3/2022; giới thiệu môi trường và các dự án kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng ngày 25/3/2022; Phối hợp với Đại sứ quán Tây Ban Nha tổ chức “Sự kiện kết nối doanh nghiệp Tây Ban Nha” tại Đà Nẵng ngày 06/4/2022; Phối hợp với Văn phòng đại diện Cơ quan Phát triển Kinh tế Bang Bremen (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng và bang Bremen ngày 21/4/2022; Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “EuroCham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung” ngày 27/5/2022; Phối hợp với Công ty Informa Routes, IPPG, Sở Du lịch và các đơn vị tổ chức Diễn đàn “Đà Nẵng điểm đến châu Á” vào ngày 05/6/2022 trong khuôn khổ của Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022); Phối hợp với Sở Ngoại vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan - Đà Nẵng 2022 ngày 04/7/2022; Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên tuyến EWEC vào ngày 04/8/2022; Phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức Tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng hướng tới người Việt Nam ở nước ngoài ngày 12/8/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh; Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Tổ chức Bremen Invest (Đức) chủ trì tổ chức Tọa đàm bàn tròn Đầu tư vào Đà Nẵng tại London, Anh (ngày 07/9/2022), Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng tại Bremen, Đức (ngày 12/9/2022) trong khuôn khổ chương trình đoàn lãnh đạo thành phố công tác tại Anh, Đức, Hà Lan (từ ngày 05/9/2022 - 16/9/2022).


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

住所

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

連絡先

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

ダナン情報通信所により発行された2017年2月20日付許可No.124/GP-STTT。

編集者:Mrs. Huynh Lien Phuong – ダナン投資促進支援委員会 委員長。