Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Đà Nẵng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực giáo dục từ Nghị định 124/2024/NĐ-CP
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 16/12/2024 Lượt xem: 15

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định 86/2018/NĐ-CP, nhằm tạo động lực mới cho hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đây là cơ hội để thành phố Đà Nẵng nắm bắt cơ hội để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.


Việt Nam đã và đang trở thành một điểm sáng trong bản đồ đầu tư quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ mà còn ở lĩnh vực giáo dục. Với dân số khoảng 100 triệu người, trong đó có hơn 25 triệu học sinh, sinh viên (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhu cầu về giáo dục chất lượng cao ngày càng tăng. Các gia đình Việt Nam sẵn sàng đầu tư một tỷ lệ lớn thu nhập vào giáo dục, minh chứng qua việc chi tiêu cho giáo dục đạt hơn 5% GDP quốc gia mỗi năm (theo Ngân hàng thế giới).

Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định 86/2018/NĐ-CP, nhằm tạo động lực mới cho hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định số 124/2024/NĐ-CP đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo và thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới, thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam. Như vậy, có thể nhận định rằng Nghị định 124/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là các dự án giáo dục chất lượng cao.

Những điểm nhấn đáng chú ý của Nghị định

Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể về thành lập Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, góp phần thu hút có chọn lọc cơ sở giáo dục đại học có chất lượng đầu tư. Cụ thể là, “cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất; phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam được hoạt động theo các tiêu chuẩn đào tạo và kiểm định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập phân hiệu (tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất và chuẩn giảng viên không được thấp hơn quy định đối với cơ sở giáo dục Việt Nam)”.

Quy định về lộ trình đầu tư theo tiến độ để phù hợp thực tế khi mới thành lập cơ sở giáo dục và số lượng học sinh còn ít, đảm bảo hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Cụ thể, “đến thời điểm thẩm định cho phép hoạt động giáo dục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 50% tổng số vốn đầu tư và nhà đầu tư phải cam kết đầu tư đủ số vốn trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định cho phép hoạt động”.

Chất lượng Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam cũng được đề cập như “chương trình giáo dục mầm non và phổ thông của nước ngoài nếu đưa vào thực hiện ở Việt Nam phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận hoặc được kiểm định chất lượng, phải được giảng dạy trực tiếp ít nhất 05 năm ở nước ngoài và phải bảo đảm mục tiêu giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam”.

Để góp phần nâng cao vai trò chủ động và tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương trong hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định cũng bổ sung quy định: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực này tại địa phương”. 

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung các quy định về hình thức nộp hồ sơ, báo cáo trực tuyến, quy định về việc khai thác, chia sẻ dữ liệu chung giữa các cơ quan quản lý nhà nước; quy định về trách nhiệm công khai cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội về cơ sở giáo dục; quy định tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và nội dung hoạt động của nhà trường.

Thuận lợi và thách thức từ Nghị định

Thuận lợi 

(1) Đẩy mạnh tính minh bạch và ổn định: Nghị định số 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, đơn giản hóa 14/21 biểu mẫu trong Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.  Sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ và giảm bớt các thủ tục rườm rà tạo điều kiện và giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, giảm chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm tính công khai, minh bạch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

(2) Mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế: Khuyến khích liên kết đào tạo tích hợp giữa Việt Nam và các quốc gia có nền giáo dục phát triển, thu hút các trường đại học nước ngoài thành lập phân hiệu ở Việt Nam hoặc để các tổ chức cấp chứng chỉ hoạt động quốc tế mở rộng hoạt động như British Council, IDP Education và ETS. 

(3) Chất lượng giáo dục đồng đều: Quy định rõ ràng về chương trình tích hợp phải đảm bảo không gây quá tải cho học sinh và đảm bảo liên thông cấp học, tạo nền tảng giáo dục bền vững. Bên cạnh đó, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế. Điều này vừa tạo niềm tin cho người học vừa nâng cao uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Thách thức: Dù có nhiều thuận lợi, các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn đầu tư và kiểm định chất lượng có thể hạn chế một số nhà đầu tư nhỏ. Ngoài ra, việc quản lý và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình triển khai vẫn là vấn đề mà các cơ quan địa phương cần chú trọng.

Đà Nẵng - Điểm đến đầu tư giáo dục lý tưởng

Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Bản thân thành phố cũng có nhiều tiềm năng để phát triển giáo dục đào tạo. 

Vị trí chiến lược và hạ tầng kết nối

Đà Nẵng nằm ở trung tâm của Việt Nam, là cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc và là cửa ngõ giao thương quốc tế qua cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung. Thành phố này còn sở hữu Sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Năm 2024, tổng hành khách đến qua sân bay Đà Nẵng ước đạt là 13,4 triệu lượt, riêng nhà ga T2 đã đón gần 2,9 triệu lượt khách đến từ 11 quốc gia trên hơn 17.600 chuyến bay (Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng). Với sự thuận lợi trong công tác kết nối với các trung tâm giáo dục lớn trong khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, Đà Nẵng có điều kiện lý tưởng để thu hút các dự án giáo dục quốc tế.

Đại học Duy Tân tại Đà Nẵng là đại học tư thục đầu tiên (từ trường đại học thành đại học) tại miền Trung Việt Nam (Nguồn: Internet)

Thị trường tiềm năng

Nhu cầu theo học các chương trình chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng gia tăng, không chỉ từ phụ huynh và học sinh tại Đà Nẵng mà còn từ các tỉnh lân cận, cũng như cộng đồng người nước ngoài và doanh nhân đến thành phố làm việc, định cư lâu dài. Với dân số hơn 1,2  triệu người và tốc độ tăng trưởng 2,22% mỗi năm (Tổng Cục Thống kê), dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng sẽ đạt hơn 1,5 triệu. Số học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông sẽ vượt 270.000, trong đó bậc tiểu học chiếm gần 110.000 học sinh (40%) (Báo Đà Nẵng). Đồng thời, số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại thành phố ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu học tập cho con em họ cũng gia tăng đáng kể.

Điều này tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Có nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Đà Nẵng để thành lập các trường quốc tế chất lượng cao, tích hợp song ngữ, đáp ứng nhu cầu học tập theo tiêu chuẩn toàn cầu như Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU, Trường Quốc tế Singapore SIS, Đại học Greenwich,... 

Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU là một trong những nhà đầu tư lớn trong mảng giáo dục tại Đà Nẵng (Nguồn: Internet)

Chính sách hỗ trợ đầu tư

Chính quyền thành phố luôn cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình thành lập và mở rộng dự án tại thành phố trong tất cả các lĩnh vực; và triển khai nhất quán các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, phù hợp với Nghị định 124/2024/NĐ-CP. Để nâng cao công tác hỗ trợ, dịch vụ một cửa tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng luôn sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất đầu tư, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như khảo sát địa điểm đầu tư, tư vấn thủ tục, quy trình đầu tư, kết nối hợp tác… cho nhà đầu tư. 

Cơ hội cho Đà Nẵng từ Nghị định 124/2024/NĐ-CP

Nghị định 124/2024/NĐ-CP tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để Đà Nẵng thu hút đầu tư lĩnh vực giáo dục dựa trên những điều kiện sẵn có. 

Phát triển phân hiệu đại học quốc tế

Đà Nẵng có thể tận dụng các quy định khuyến khích của Nghị định để mời gọi các trường đại học hàng đầu thế giới mở phân hiệu tại thành phố. 

Liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế

Với sự bùng nổ nhu cầu học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ quốc tế, Nghị định khuyến khích việc liên kết  tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế, tạo cơ hội cho Đà Nẵng trở thành trung tâm thi IELTS, TOEFL, SAT của khu vực miền Trung.

Triển khai giáo dục tích hợp

Đà Nẵng có thể phát triển mạnh mẽ mô hình giáo dục tích hợp quốc tế và Việt Nam để phục vụ đối tượng học sinh đa quốc tịch. Với sự gia tăng cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đà Nẵng, nhu cầu về các chương trình giáo dục quốc tế ngày càng tăng cao.

Phát triển các dịch vụ đi kèm giáo dục đào tạo

Bên cạnh các cơ sở đào tạo, trường học, thành phố có những cơ hội để thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ như nhà ở sinh viên và giảng viên, các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm, thực hành,...

Thành phố Đà Nẵng cần có những hành động cụ thể để tận dụng sức mạnh nội tại và lợi ích từ Nghị quyết 124

Trong thời gian tới, thành phố có thể xem xét, nghiên cứu: 

(1) Xây dựng chiến lược quảng bá: Tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư giáo dục quốc tế, giới thiệu tiềm năng và chính sách hỗ trợ của Đà Nẵng; phát triển các tài liệu quảng bá, nhấn mạnh vào vị trí chiến lược, hạ tầng hiện đại và ưu đãi đầu tư tại thành phố.

(2) Tối ưu hóa quy hoạch: Quy hoạch thêm các quỹ đất dành riêng cho giáo dục, đồng thời cung cấp hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi.

(3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế để đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn quốc tế; xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng để phục vụ giáo dục và nghiên cứu.

(4) Hỗ trợ pháp lý và tài chính: Chính quyền thành phố tiếp tục đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục cấp phép, đồng thời xem xét cho vay các khoản hỗ trợ tài chính ban đầu cho dự án.

(5) Liên kết đầu tư: Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với các nhà đầu tư trong nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài.

(6) Xây dựng hệ sinh thái giáo dục: Ngoài trường học, Đà Nẵng cần phát triển các dịch vụ phụ trợ như ký túc xá, trung tâm nghiên cứu, thư viện hiện đại và các dịch vụ hỗ trợ khác để chỉ thu hút học sinh, sinh viên.

Nghị định 124/2024/NĐ-CP không chỉ mang lại cơ hội lớn cho lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam mà còn đặt Đà Nẵng vào vị trí tiên phong trong việc thu hút đầu tư quốc tế. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược triển khai hợp lý, thành phố có thể trở thành trung tâm giáo dục quốc tế của khu vực miền Trung, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đà Nẵng, với tất cả những lợi thế sẵn có, đã sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, khẳng định vị thế là một trong những điểm đến lý tưởng cho giáo dục chất lượng cao, "điểm đến tri thức" tại Việt Nam và khu vực.

IPA Đà Nẵng


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

住所

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

連絡先

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

ダナン情報通信所により発行された2017年2月20日付許可No.124/GP-STTT。

編集者:Mrs. Huynh Lien Phuong – ダナン投資促進支援委員会 委員長。