Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Đổi mới quan điểm về sử dụng nguồn nhân lực để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 20/11/2023 Lượt xem: 64

Năng lực của nguồn nhân lực quốc gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI. Đối với các cơ quan làm công tác quảng bá môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư FDI vào một địa phương, một quốc gia, việc phân tích nguồn nhân lực và ứng dụng những kết quả tìm được vào việc hoạch định và đề xuất chiến lược là hết sức quan trọng.


Bất cứ một sự phát triển nào cũng đều phải có một động lực thúc đẩy. Phát triển kinh tế xã hội được dựa trên nhiều nguồn lực: nhân lực (nguồn lực con người), vật lực (nguồn lực vật chất, công cụ lao động đối tượng lao động, tài nguyên thiên nhiên), tài lực (nguồn lực về tài chính tiền tệ) … song chỉ có nguồn lực con người mới tạo ra động lực của sự phát triển, những nguồn lực khác muốn phát huy được được tác dụng chỉ có thể thông qua nguồn lực con người.

Nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài

Các yếu tố chính và yếu tố phụ có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định chiến lược đầu tư và xây dựng địa điểm của một công ty mới, là: a) Nhóm Lực lượng lao động (chi phí trả lương, sự sẵn có, tính ổn định, năng suất); b) Nhóm Thị trường (khách hàng, nguyên liệu điều vào); c) Nhóm Cơ sở vật chất (năng lượng, nhiên liệu, vẫn tải, truyền thông, nước); d) Nhóm Đặc điểm của địa điểm đầu tư (khí hậu và địa hình, phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, phát triển thương mại); e) Yếu tố khác (kiểm soát môi trường, chi phí cuộc sống, các khía cạnh tài chính).

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam (ảnh minh hoạt Internet)

Từ đó, thấy rằng lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở cả các nước phát triển và đang phát triển vì nó là nhân tố đầu tiên ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của nhà đầu tư.

Lý do nguồn nhân lực ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư xuất phát từ vai trò của con người đối với sản xuất. Có nhiều định nghĩa về nguồn nhân lực. Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, “Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức, là năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hiện có thực tế hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng”. Theo Nicolas Henry: “Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của những tổ chức (với quy mô, loại hình, chức năng khác nhau) có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, khu vực, thế giới”. Theo George T.Milkovich và John W.Boudreau: “Nguồn nhân lực là tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân đảm bảo nguồn sáng tạo cùng các nội dung khác cho sự thành công, đạt được mục tiêu của tổ chức”. Nhưng nhìn chung, nguồn nhân lực có thể được định nghĩa là tập hợp các cá nhân hoặc nhóm cá nhân có khả năng và kỹ năng để thực hiện công việc trong một tổ chức, doanh nghiệp hoặc một hệ thống. Nguồn nhân lực bao gồm những người lao động có thể được tuyển dụng hoặc thuê từ bên ngoài tổ chức (nguồn nhân lực bên ngoài) và những người lao động đã làm việc trong tổ chức (nguồn nhân lực nội bộ).

Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong quản lý và phát triển tổ chức. Nó bao gồm các khía cạnh như số lượng nhân viên, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, sự sáng tạo và động lực làm việc của nhân viên. Quản lý nguồn nhân lực đòi hỏi sự tuyển dụng, đào tạo, phát triển, đánh giá, và duy trì nhân viên để đảm bảo rằng tổ chức có đủ và đúng loại nhân lực để đạt được mục tiêu và thành công trong hoạt động của mình.

Nguồn nhân lực đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của một tổ chức. Dưới đây là một số điểm quan trọng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực: a) Đóng góp vào sự đổi mới và sáng tạo; b) Nhân lực được coi là “tài sản sống” của một tổ chức, vì họ mang trong mình kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Nhân viên có khả năng tư duy sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới và giải quyết các vấn đề phức tạp. Sự đổi mới và sáng tạo của nguồn nhân lực giúp tổ chức nâng cao hiệu suất và cạnh tranh trong môi trường kinh doanh; c) Thúc đẩy hiệu suất và đạt được mục tiêu; d) Nhân viên có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và đạt được mục tiêu của tổ chức. Kỹ năng và năng lực của họ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc, sản xuất và chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ. Nếu có nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức có thể đạt được hiệu suất tối đa và tiến gần hơn đến mục tiêu của mình; e) Xây dựng lợi thế cạnh tranh. g) Nguồn nhân lực giúp xây dựng lợi thế cạnh tranh cho một tổ chức. Khi có một đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tốt và sáng tạo, tổ chức sẽ có khả năng ứng phó với thay đổi, cạnh tranh hiệu quả và thích ứng với môi trường kinh doanh biến đổi. h) Tạo ra giá trị và phát triển bền vững; k) Nhân lực đóng góp vào tạo ra giá trị cho tổ chức và đảm bảo sự phát triển bền vững. Được đào tạo, phát triển và đánh giá thích hợp, nguồn nhân lực sẽ nâng cao trình độ chuyên môn và tư duy, tạo ra lợi ích cho cả nhân viên và tổ chức. Nhân viên tự tin và hài lòng với công việc của mình sẽ có xu hướng duy trì và phát triển trong tổ chức.

Vì vậy, một quốc gia có có lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, có chính sách phù hợp về đào tạo nguồn nhân lực và duy trì “sức khỏe” nguồn nhân lực sẽ là những những quốc gia đó có lợi thế cạnh tranh và có thể thu hút dòng vốn FDI.

Việt Nam được biết đến với nguồn nhân lực dồi dào và “giá rẻ” nhưng để tiếp tục thu hút FDI trong giai đoạn đến thì cần có sự thay đổi

Thực tế chỉ ra rằng, sự sẵn có của lao động phổ thông chi phí thấp là một yếu tố nổi bật yếu tố quyết định cụ thể về vị trí của FDI ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào. Năm 2023 tổng dân số nước ta đạt hơn là 99 triệu người. Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ, là quốc gia đông dân xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Trong số này, hơn 60 triệu người đang ở độ tuổi lao động. Tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động ở nhóm tuổi từ 25-29 là cao nhất. Như thế số lao động trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 2 trong ASEAN.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, sức trẻ là đặc điểm nổi trội, là tiềm năng nguồn nhân lực. Đa số là lao động trẻ. Nếu biết khai thác và tận dụng cơ hội này, Việt Nam sẽ thuận lợi trong việc bứt phá phát triển nguồn nhân lực”.

Sự gia tăng về dân số của Việt Nam kéo theo số lượng nguồn nhân lực có sự tăng trưởng mạnh. Điều này cho thấy, lực lượng lao động Việt Nam luôn trong tình trạng có thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp lực lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sự dồi dào về nguồn lao động phổ thông đã đóng góp tích cực vào việc thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Tính lũy kế đến ngày 20/10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (những ngành cần nhiều lao động phổ thông) chiếm tỷ trọng cao nhất chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đã gián tiếp phản ánh rõ ràng lao động phổ thông giá rẻ đã giúp Việt Nam thu hút một lượng lớn FDI.

Mặc dù đang có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực do đang ở trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Có số lượng đông nhưng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang quốc tế, không đủ lao động có chuyên môn, tay nghề cao. Số lượng lao động có chuyên môn chỉ là 24,1% triệu lao động, số liệu năm 2021.

Lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ, bằng ở các trình độ từ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng đến đại học và sau đại học chiếm 20,92%. Trong 10 năm vừa qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đáng kể nhưng vẫn có tới 76,9% người lao động chưa được đào tạo về chuyên môn.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 7,6% năng suất của Singapore, 19,5% của Malaysia, 37,9% với Thái Lan, 45,6% của Indonesia, 56,9% của Philippines và 68,9% so với Brunei. So với Myanmar năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 90% và bằng 88,7% của Lào. Tính trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của nước ta chỉ cao hơn Campuchia.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) đã chỉ ra rằng hầu hết các kỹ năng mềm của người lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, và kỹ năng lãnh đạo. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (2016) cũng cho thấy, mức độ đáp ứng về kỹ năng do thay đổi công nghệ của lao động trong các doanh nghiệp điện tử và may rất thấp.

Căn cứ số liệu thống kê đăng trên báo điện tử đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 37% lao động được tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu công việc, 39,86% doanh nghiệp FDI thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp FDI mất 1- 2 năm đào tạo lại lao động được tuyển dụng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá nếu không có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ thông tin, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức lớn, như: Khó cải thiện năng suất lao động, sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh.

Như thế, từ một quốc gia có lợi thế về “lao động giá rẻ” trong thu hút đầu tư nước ngoài, giờ đây Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động chất lượng cao để giữ chân và thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Xu hướng phát triển nguồn nhân lực từ “số lượng dồi dào" sang “chất lượng cao” trong thu hút FDI

Sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên không phải là điều kiện tiên quyết đối với FDI. Ngay cả những nước không có tài nguyên thiên nhiên vẫn có thể thu hút FDI bằng cách tạo ra các nguồn lực mà các nhà đầu tư có nhu cầu. Điều này đòi hỏi sự có mặt của những cá nhân có tài năng và sáng tạo hay nói cách khác chính là “nguồn lao động chất lượng cao”. Nguồn nhân lực này hiện nay có lẽ là chìa khóa cạnh tranh cho các doanh nghiệp cũng như cho các quốc gia.

Lý thuyết và thực tiễn kinh tế ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đều khẳng định mối quan hệ giữa lực lượng lao động và thu hút FDI là tích cực. Điều này có nghĩa là các yếu tố khác không đổi, lực lượng lao động tăng ở mức đủ và đa dạng sẽ tạo sức hút dòng vốn FDI vào bất kỳ nước nào, nhưng chỉ phù hợp với những nước thu hút dự án FDI sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, số lượng lao động tăng nhưng chất lượng lao động không tăng sẽ dẫn đến nguy cơ dòng vốn FDI sụt giảm. Nhiều nước trong giai đoạn đầu phát triển (từ nước kém phát triển đến nước đang phát triển) chủ yếu tận dụng lợi thế cạnh tranh là lao động trẻ, giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đa dạng và nhiều chính sách ưu đãi để thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, các nước này nhận thấy lao động phổ thông không còn là lợi thế cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI, đồng thời do sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp yêu cầu FDI phải thay đổi dây chuyền công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Hội thảo Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng 2023

Sự thay đổi của khoa học công nghệ từ Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự thay đổi rõ ràng nhất.

Thứ nhất, CMCN 4.0 làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Với CMCN 4.0, những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi, đồng thời xuất hiện những ngành nghề mới. CMCN 4.0 đã cho ra đời các hệ thống tự động hóa và robot thông minh.

Thứ hai, thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ: Trong cuộc CMCN 4.0, lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Hàng loạt nghề nghiệp cũ mất đi, thị trường lao động quốc tế sẽ phân hóa mạnh giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao.

Thứ ba, yêu cầu về NNL chất lượng cao ngày càng cấp thiết: CMCN 4.0 yêu cầu NNL có chất lượng ngày càng cao, trong khi đó, NNL chất lượng cao của Việt Nam hiện nay lại thiếu hụt cả về số lượng và kỹ năng tay nghề. CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam đang quá ít. Thứ tư, cạnh tranh gay gắt về NNL: Trước hết, cạnh tranh sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, tạo áp lực tuyển dụng, phát triển NNL liên quan. Ngay tại nước ta, nhân lực trong các ngành về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, xe ôtô tự lái, Robotic… đang được "săn lùng" ráo riết và trả mức lương “khủng”

Vì vậy, để thu hút FDI trong bối cảnh phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, thị trường, … việc cải thiện về nguồn nhân lực là xu hướng bắt buộc, không thể “dậm chân tại chỗ” với những lợi thế về lao động chi phí thấp.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại việt nam để gia tăng tính cạnh tranh của điểm đến đầu tư Việt Nam

Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao, ở nước ta lần đầu tiên thuật ngữ nguồn nhân lực chất lượng cao xuất hiện đó là trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành”. Nó đã thể hiện rằng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam có những điểm mới trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đó là bước đột phá nhằm sớm đưa nước ta thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, đồng thời tạo sự phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận kết tinh những gì tinh túy nhất của nguồn nhân lực. Là bộ phận lao động có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao hay có kỹ năng lao động giỏi, có năng lực sáng tạo, phải có tác phong công nghiệp và đạo đức trong nghề nghiệp. Đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã được đào tạo và tích lũy trong quá trình lao động nhằm đem lại kết quả sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lực lượng cốt lõi cả trong hai mặt số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao có lực lượng nòng cốt là những công nhân lành nghề - những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng cả ở trong nước và nước ngoài. Lực lượng lao động “đầu tàu” của nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ trí thức.

Trao đổi, thảo luận về phát triển nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Đà Nẵng 2022

Việt Nam hiện đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng sử dụng lao động phổ thông và khai thác tài nguyên sang lao động có tay nghề, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để có lực lượng lao động đủ số lượng và chất lượng cao phù hợp với mô hình tăng trưởng mới và thu hút các dự án FDI có công nghệ cao trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần xem xét thực hiện các giải pháp sau:

1. Nhận thức đúng đắn về nền kinh tế đất nước

Việc nhận thức đúng về nền tình hình phát triển kinh tế của xã hội hiện nay sẽ giúp cho quá trình xây dựng các chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Trong đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cần tương xứng với tiềm năng phát triển, mang lại sức hút đầu tư lớn vào Việt Nam.

Không thể thiếu nâng cao và hiểu rõ được vai trò phát triển nguồn nhân lực cao trong phát triển kinh tế bền vững. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã, đang và sẽ được đánh thức; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh bị ngủ quên hoặc chưa sử dụng đúng lúc, đúng nơi một cách hiệu quả và hợp lý nhất.

2. Chiến lược phát triển dân số

Tiếp tục duy trì dân số trẻ thông qua các chính sách dân số phù hợp đảm bảo nguồn cung về số lượng lao động cũng như đảm bảo sự sáng tạo, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức của nguồn lao động vì lao động trẻ có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ cao.

3. Tập trung vào đào tạo và hỗ trợ kinh phí đào tạo

- Đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao trình độ của người lao động, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đi trước một bước và phải thực hiện một cách căn cơ, bài bản. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh, người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp; Năng lực thực hành nghề chuyên môn; Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; Năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ; Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

- Cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp. Chất lượng đào tạo bậc trình độ đại học, cao đẳng rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy vậy, việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực đào tạo của nhà nước, cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Bên cạnh việc định hướng đầu vào, các trường Đại học, Cao đẳng là yêu cầu rất cần thiết về cân đối nguồn nhân lực hiện nay và các năm tới. Quy hoạch tổng thể đào tạo nghề, sắp xếp lại hệ thống dạy nghề trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường lao động và khả năng đào tạo của các trường nghề, phát triển một số trường đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả đào tạo thu hút nhiều học viên. Đầu tư phát triển tổ chức chuyên nghiệp để mở rộng và toàn diện quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, công tác hướng nghiệp phải định hướng sự chú ý, kích thích sự hứng thú của học sinh, sinh viên vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển; giúp học sinh, sinh viên tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực, phù hợp các vấn đề trọng tâm, học sinh mong muốn được hướng nghiệp: ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp; các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình; giới thiệu về các trường và ngành đào tạo, chuẩn đầu ra và khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Mở rộng quy mô hướng nghiệp đối với học sinh, sinh viên, đầu tư phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp, nâng cao trình độ của người lao động, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo được coi là cần thiết bởi mối quan hệ này chưa được phát triển mạnh ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động để đáp ứng mục tiêu tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Có các gói hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học các ngành đang được ưu tiên phát triển trong thời gian tới tại Việt Nam.

- Xây dựng đội ngũ nhà giáo, giảng viên, người đào tạo nghề để kịp thời đào tạo các ngành nghề mới.

4. Công tác quản lý nhà nước

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ về các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động. Cải thiện kỹ năng cho người lao động thông qua những việc làm cụ thể sau: Tiến hành khảo sát, cập nhật thường xuyên và công bố bản khảo sát tầm quốc gia về cung cầu kỹ năng; Xây dựng chương trình phối kết hợp nhiều lĩnh vực, từ đào tạo nghề ngắn hạn, liên kết nhà trường – doanh nghiệp cho đến việc cải cách chương trình học tập dài hạn; Nuôi dưỡng và phát triển sự sáng tạo thông qua việc thu hút nhân tài.

- Việc thu hút FDI thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, xác định thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao; rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

5. Sự phối hợp của doanh nghiệp FDI

- Các doanh nghiệp FDI phải đổi mới công nghệ ưu tiên tuyển dụng lao động trình độ cao sẽ khuyến khích người lao động quan tâm học tập nâng cao trình độ, bên cạnh đó cũng sẽ tạo áp lực cho các trường Đại học, trung tâm, cơ sở đào tạo cũng sẽ chịu sức ép của thị trường để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho đội ngũ công nhân tay nghề thấp để thích ứng với các thay đổi của công nghệ, phù hợp với xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0 tăng cường hàm lượng tri thức trong sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Đào tạo tại chỗ, đào tạo bên ngoài và nâng cao trình độ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý đủ năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ thay thế chuyên gia nước ngoài.

- Các doanh nghiệp FDI phải bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam, tuyển dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật… Tránh xảy ra xung đột, căng thẳng trong quan hệ lao động, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế xã hội địa phương, đảm bảo tốt môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

6. Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới

Việc quan sát, học tập kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực trên thế giới giúp cho Việt Nam có thêm kinh nghiệm để phát triển nguồn nhân lực trong nước. Hiện Việt Nam chưa thực sự có công cụ đánh giá năng lực nhân viên một cách phù hợp và chính xác.

Chính vì vậy, sự chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn về kỹ năng, chuyên môn, trình độ là điều cần thiết. Điều này tạo thành bộ khung năng lực cho từng ngành nghề, đánh giá năng lực của nhân sự một cách chính xác và hiệu quả hơn.

Duy Hòa


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

住所

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

連絡先

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

ダナン情報通信所により発行された2017年2月20日付許可No.124/GP-STTT。

編集者:Mrs. Huynh Lien Phuong – ダナン投資促進支援委員会 委員長。