Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Khả năng kết hợp B2B trong các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 09/04/2024 Lượt xem: 48

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nhân tố quan trọng mang lại vốn, cũng như việc làm, công nghệ và kỹ năng quản lý cho nhiều nước đang phát triển (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD, 2019).


          Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho đến nay, tổng vốn đầu tư FDI từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh từ 20,3 tỷ USD lên trên 473 tỷ USD với hơn 39.000 dự án đầu tư đang triển khai trên cả nước (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024). Tính đến nay, tỷ trọng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, 2024). Tại thành phố Đà Nẵng, trong quý I/2024, thành phố thu hút được 21,162 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến 15/3/2024, trên địa bàn thành phố có 1.020 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,3 tỷ USD (Cục thống kê Đà Nẵng, 2024).

 

          Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2021), để quảng bá điểm đến đầu tư, có thể thực hiện nhiều hoạt động marketing và dịch vụ hỗ trợ khác nhau, được phân loại thành bốn chức năng cốt lõi: Xây dựng hình ảnh (Image Building), Tạo dựng đầu tư (Investment Generation), Tạo điều kiện thuận lợi trước đầu tư, duy trì hỗ trợ trong đầu tư và chăm sóc sau đầu tư (Investment Facilitation, Retention and Aftercare), Vận động chính sách (Policy Advocacy). Trong đó, công tác xây dựng hình ảnh và tạo dựng đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đang được tập trung triển khai tại thành phố Đà Nẵng thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại tại nước ngoài.

 

         Trong giai đoạn 2022 - 2023, có 08 đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đi xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, UAE - Qatar.... Các đoàn công tác tập trung vào một số hoạt động xúc tiến đầu tư như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đầu tư; làm việc trực tiếp với các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng; ký kết MOU… Việc xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố tại nước ngoài đã thể hiện cam kết của lãnh đạo thành phố trong việc tạo thuận lợi, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư vào thành phố, củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư tại các thị trường truyền thống; góp phần quảng bá môi trường đầu tư đối với các thị trường mới, tăng cao nhận diện thương hiệu Đà Nẵng điểm đến đầu tư với các đối tác; nâng cao khả năng tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn để giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư vào thành phố. 

 

Đoàn công tác của lãnh đạo thành phố xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Hoa Kỳ

(Làm việc với Công ty NVIDIA năm 2023 - ảnh trái, làm việc với Công ty Qualcomm năm 2024 - ảnh phải)

 

            Các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đang hiện nay đang tập trung vào mối quan hệ G2B (Chính phủ với Doanh nghiệp). Thực chất, G2B trong xúc tiến đầu tư là cách các chính phủ (với tư cách là “người bán”) có thể khai thác hình ảnh thương hiệu quốc gia của mình để thu hút các doanh nghiệp (với tư cách là “người mua”) đầu tư vào quốc gia của mình, và đây là một phương thức xúc tiến đầu tư hiệu quả vì gây dựng được sự tin tưởng của nhà đầu tư (Lee & Lee, 2021).           

         

              Bên cạnh G2B, thì B2B (Doanh nghiệp với Doanh nghiệp) cũng là một hình thức góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Có thể nói, B2B ảnh hướng đến quá trình đưa ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư theo hai hướng. Thứ nhất, B2B cho phép nhà đầu tư tiền khảo sát hệ sinh thái sản xuất, tiếp thị và tiêu thụ. Thực tế, khối lượng tổng thể của giao dịch B2B cao hơn nhiều so với khối lượng giao dịch B2C (Doanh nghiệp với Khách hàng), vì trong một chuỗi cung ứng thông thường sẽ có nhiều giao dịch B2B liên quan đến thành phần nguyên liệu, và chỉ có một giao dịch B2C là bán thành phẩm đến khách hàng cuối cùng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ sử dụng phương tiện truyền thông của các doanh nghiệp quảng cáo, tiếp thị để kết nối với người tiêu dùng (B2C) (Robert, Srinath & Mark, 2006). B2B trở thành phương thức hiệu quả để nhà đầu tư bước đầu tìm được các đối tác tiềm năng tại địa điểm đầu tư trong tương lai. Thứ hai, B2B là một phương thức marketing hiệu quả đối với địa điểm đầu tư, bởi sự thành công của một doanh nghiệp hiện hữu đã đầu tư tại một địa điểm sẽ phần nào minh chứng rằng điểm đến đầu tư đó đáng tin cậy (Zimmerman & Blythe, 2017).

 

            Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư của các đoàn lãnh đạo thành phố thì cần nên có thêm sự tham gia, tháp tùng của các doanh nghiệp nhằm mục đích khai thác tiềm năng của mối quan hệ B2B. Để lồng ghép nội dung B2B (đoàn doanh nghiệp) vào đoàn xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố (đoàn chính quyền), có thể xem xét triển khai như sau:

 

               Sau khi được sự cho phép về chủ trương của lãnh đạo thành phố, cơ quan chịu trách nhiệm xúc tiến đầu tư chọn lọc và mời các doanh nghiệp tham gia đoàn công tác theo hình thức các doanh nghiệp tự chi trả kinh phí. Một số tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp tham gia có thể kể đến như sự phù hợp của ngành nghề kinh doanh đối với nội dung xúc tiến hoặc khả năng liên kết để tạo chuỗi cung ứng sản xuất với ngành được xúc tiến. Ví dụ, đoàn công tác có trọng tâm xúc tiến ngành công nghệ thông tin có thể lựa chọn các doanh nghiệp CNTT, hoặc lựa chọn các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng để sản xuất sản phẩm CNTT, hoặc các cơ sở cung ứng lao động ngành CNTT tham gia.

 

            Ngoài ra, trong trường hợp đề xuất lịch trình và nội dung làm việc cho đoàn công tác, các doanh nghiệp có thể tận dụng mối quan hệ hợp tác sẵn có để đề xuất các đối tác cụ thể để lãnh đạo thành phố gặp và làm việc. Bằng cách này, có thể đa dạng hóa kênh tổng hợp thông tin, tìm kiếm nhà đầu tư, bổ sung cho các kênh tìm kiếm sẵn có của cơ quan chuyên môn về xúc tiến đầu tư của thành phố.

 

            Bên cạnh đó, Đoàn chính quyền có thể tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư với sự phối hợp tổ chức của đoàn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ mời đại biểu tham dự, quảng bá truyền thông hoặc thậm chí tài trợ kinh phí tổ chức sự kiện. Hoặc trong trường hợp khác, đoàn doanh nghiệp có thể chủ động tự tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư và mời đoàn chính quyền đến tham dự và phát biểu.

 

Đoàn công tác của lãnh đạo thành phố tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng tại UAE năm 2022

 

         Sự hợp tác kể trên thể hiện mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (nguyên tắc win-win), khi mà đoàn chính quyền có thể tiết kiệm ngân sách địa phương bằng phương thức kêu gọi xã hội hóa trong khâu tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, tăng cường sự phủ sóng của hoạt động xúc tiến bằng kênh truyền thông của doanh nghiệp, đa dạng hoá tệp khách mời đến với các sự kiện do đoàn chính quyền tổ chức, có thêm nhân lực để tổ chức các hoạt động trong khi số lượng thành viên trong đoàn chính quyền có hạn (UBND thành phố quy định mỗi đoàn đi công tác nước ngoài không quá 10 người). Mặt khác, khi tham gia hoặc đứng ra đồng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với chính quyền, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao vị thế của doanh nghiệp và nhận được nhiều hơn sự tin tưởng của các đối tác quốc tế; các hoạt động kết nối doanh nghiệp, hợp tác đầu tư kinh doanh sẽ gặt hái nhiều kết quả khả quan khi tiếp cận được nhiều đối tác hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp start-up để bước đầu nâng cao thương hiệu. Như vậy, cơ quan nhà nước vẫn sẽ nắm vai trò hoạch định trong công tác xúc tiến đầu tư, đảm bảo nội dung xúc tiến phù hợp với chủ trương đề ra, nhưng lại tận dụng được tối đa nguồn lực xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả truyền thông và phương thức tìm kiếm đối tác, …

 

          Một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai mời đoàn doanh nghiệp tháp tùng đoàn chính quyền đó là tính bảo mật thông tin. Các doanh nghiệp tham dự đoàn phải có sự cam kết về vấn đề bảo vệ bí mật thông tin đối với các nội dung mang tính bảo mật cao. Số lượng doanh nghiệp tháp tùng cũng cần được tính toán hợp lý để chuyến công tác đạt được hiệu quả cao, tránh tình trạng số lượng tham gia đông nhưng nội dung làm việc mang tính dàn trải, thiếu tập trung và không đạt được kết quả như kỳ vọng. Ngoài ra, vấn đề xuất nhập cảnh của đoàn doanh nghiệp cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình huống không hay như “đội lốt” doanh nhân để tận dụng cơ hội tháp tùng đoàn công tác để trốn lại nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia là rất quan trọng.

 

          Xuất phát từ bản chất đầu tư ra nước ngoài là hoạt động cần có vốn lớn, vốn này đọng lại trong suốt quá trình đầu tư, và thời gian thu hồi vốn lâu, lại chịu tác động của nhiều yếu tố không ổn định, nên để tạo ra tác động tích cực và mang tính thuyết phục lên quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền địa phương có thể nghiên cứu khả năng kết hợp B2B trong các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của lãnh đạo thành phố. Quá trình áp dụng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có quy trình cụ thể về việc hoạch định số lượng doanh nghiệp và chọn lọc doanh nghiệp cụ thể tham gia, cũng như có những cam kết ràng buộc để doanh nghiệp tuân thủ các quy định của đoàn công tác./.

 

Duy Hòa

Tham khảo:

Lee, R. and Lee, Y.-i. (2021), The role of national brand in attracting foreign direct investments: a case study of Korea, International Marketing Review, Vol. 38 No. 1, pp. 124-140. https://doi.org/10.1108/IMR-01-2019-0024 (tạm dịch: Vai trò của thương hiệu quốc gia trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: nghiên cứu trường hợp Hàn Quốc, Tạp chí Tiếp thị Quốc tế)

Robert, W. P., Srinath, G., Mark, B.H, (2006), Returns on Business-to-Business Relationship Marketing Investments: Strategies for Leveraging Profits. Marketing Science 25(5):477-493. https://doi.org/10.1287/mksc.1060.0209 (tạm dịch: Lợi tức đầu tư tiếp thị mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp: Chiến lược tận dụng lợi nhuận. Khoa học tiếp thị)

Zimmerman, A., & Blythe, J. (2017). Business to Business Marketing Management: A Global Perspective (3rd ed.). Routledge. https://doi.org/10.4324/9781315564098 (tạm dịch: Quản lý tiếp thị giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp: Một góc nhìn toàn cầu)


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

住所

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

連絡先

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

ダナン情報通信所により発行された2017年2月20日付許可No.124/GP-STTT。

編集者:Mrs. Huynh Lien Phuong – ダナン投資促進支援委員会 委員長。