Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Hành trình về nguồn tại vùng “Đất lửa” Quảng Trị
Người đăng tin: Hòa Duy Võ Ngày đăng tin: 10/07/2023 Lượt xem: 23

Hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền thống yêu nước cho cán bộ, Đảng viên, Đoàn viên thanh niên, viên chức, người lao động, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình về nguồn và hành trình về địa chỉ đỏ năm 2023 tại tỉnh Quảng Trị từ ngày 07-08/7/2023. Hành trình có sự tham gia của 19 thành viên gồm Chi bộ, Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư.


Bản anh hùng ca ngàn năm dựng nước và giữ nước được viết nên bởi biết bao thế hệ các anh hùng, liệt sỹ, những người đã hiến dâng xương máu của mình để đấu tranh gìn giữ tự do cho dân tộc, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Đất nước, có những con người được ghi danh vào trang sử, nhưng cũng có những người “Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi). Ngược dòng lịch sử, tìm về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị được coi là “trọng trấn”, là “trấn biên” là “phên dậu”, là “cửa ngõ” phía Nam của Tổ quốc, là “tiêu điểm” ác liệt, rực lửa của những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong cái nôi của miền Trung Tổ quốc Việt Nam nặng nghĩa của hai đầu đất nước; đây là địa phương hiếm hoi của cả nước in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến… và hàng ngàn, hàng vạn người trong số ấy đã nằm xuống nơi đất mẹ thiêng liên.

Tận đáy lòng mình, chúng tôi - những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình dấy lên một cảm xúc khó tả: bi ai mà hùng tráng, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào. Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại cũng mờ dần với thời gian. Nhưng ở mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng, nắng gắt này thời gian không thể làm phai mờ đi hình ảnh những Nghĩa trang với bạt ngàn ngôi mộ Liệt sỹ chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 53.955 liệt sĩ.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là điểm đầu tiên của hành trình về nguồn của đoàn. Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, P. 4, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6km về phía Tây. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đường số 9 là con đường chiến lược nối biên giới Việt-Lào với Đông Hà. Dọc trục Đường số 9, người Mỹ cho xây dựng các căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt nhằm cắt chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9

Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước - tuyến đường đóng vai trò then chốt để vận chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Nơi đây quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ được phân thành các khu vực theo vị trí địa lý. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Giám đốc Ban thỉnh chuông viếng hương hồn liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn

Đoàn đến dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn

Chi đoàn thanh niên Ban thành kính dâng hương và thắp những nén hương tại phần mộ những liệt sỹ quê gốc ở Quảng Nam - Đà Nẵng

Đoàn cũng đã có cơ hội đến thăm cụm Di tích cầu Hiền Lương - sông Bến Hải. Đây là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Năm 1954, sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Theo Hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải chạy ngang qua Do Linh và Vĩnh Linh) làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại tạch chia cắt Vĩ tuyến 17, Cụm di tích cầu Hiền Lương - sông Bến Hải

Cụm di tích còn nổi tiếng với Cột cờ giới tuyến Hiền Lương. Trong cuộc chiến, không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch, năm 1962 chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ 134 m2, nặng 15 kg. Cách đỉnh cột cờ 10 mét có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến lúc bấy giờ.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại Cột cờ giới tuyến

Thành Cổ Quảng Trị được xem là “nghĩa trang không nấm mồ” với hàng nghìn liệt sĩ đã nằm xuống khi tuổi đời mới chỉ mười chín đôi mươi. Nơi gắn với trận chiến khốc liệt, bi hùng, đó là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 (từ 28/6 đến 19/6/1972). Trong 81 ngày đêm oai hùng ấy, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình, mỗi chiến sỹ phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận số đạn pháo rơi xuống Thành cổ Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Tại Thành cổ Quảng Trị, Đoàn đại biểu đã thành kính tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm – ngôi mồ chung của các chiến sĩ. Nếu đoàn quân Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng làm người đọc rưng rưng với hình ảnh người bộ đội cụ Hồ hi sinh “Áo bào thay chiếu anh về đất”, thì hiện thực chiến tranh tại Thành cổ Quảng Trị còn khối liệt hơn. Các anh đã anh dũng hi sinh, máu và xương các anh hòa vào đất cát, vào gạch đá, các anh không có mộ riêng mà tất cả đều hòa với đất mẹ. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đoàn dâng hương và tặng ghế đá lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị

Và cũng trong những ngày tháng ấy, trên dòng sông Thạch Hãn, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt sông, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị. Rồi cũng chính trên dòng sống đó, hàng trăm chuyến đò khác đã đưa thương binh, liệt sĩ từ Thành cổ trở ra. để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi. Sau này, cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,

Có tuổi hai mươi thành sóng nước,

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

Đoàn thắp hương và thả hoa tưởng nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh tại sông Thạch Hãn

Yếu tố con người đã chiến thắng và đập tan mọi tính toán quân sự, ngoại giao của kẻ thù. Như cách mà Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, một người con của vùng đất anh hùng Quảng Trị đã tôn vinh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Trích bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành Cổ).

Vì vậy trước vong linh các anh hùng liệt sỹ, Chi ủy, Ban giám đốc, Công đoàn, Chi đoàn thanh niên Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng xin hứa sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Duy Hòa


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

住所

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

連絡先

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

ダナン情報通信所により発行された2017年2月20日付許可No.124/GP-STTT。

編集者:Mrs. Huynh Lien Phuong – ダナン投資促進支援委員会 委員長。