Đó là nhận định của ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương - cùng nhiều chuyên gia ngành dịch vụ tại hội thảo khoa học quốc gia diễn ra tại Đà Nẵng.
Nhiều chuyên gia đưa ra góp ý về phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ngày 5-8, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, một số địa phương có ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, cùng hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, vấn đề phát triển các ngành dịch vụ mới nói riêng theo hướng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số.
Hội thảo cũng nghe chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về một số chủ trương, chính sách cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành dịch vụ trong bối cảnh và điều kiện mới.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho biết ngành dịch vụ đang chiếm hơn 40% GDP Việt Nam và tiếp tục tăng.
Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực".
Theo đó, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.
Cần phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội.
Tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam...
Phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh.
Cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục; chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Các nội dung trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp hiệu quả, khả thi về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", ông Tuấn Anh nói.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/)