Ba tháng đầu năm nay, không phải là Nhật Bản, mà là Hàn Quốc mới giữ vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam.
Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố vào cuối tuần qua, quý I/2014, Hàn Quốc dẫn đầu trong số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư mới và tăng thêm là 765,6 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, Nhật Bản đã bị đẩy xuống vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư 414,3 triệu USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà đầu tư hàng đầu, nhưng cả vốn cấp mới và tăng thêm cao nhất đều chưa đến 800 triệu USD, nên dễ hiểu vì sao quý I năm nay, vốn FDI vào Việt Nam đã giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Ba tháng đầu năm 2013, chỉ hai dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), đầu tư mới 2 tỷ USD, đã cao hơn mức thu hút FDI của 334 dự án (cả cấp mới và tăng thêm) trong những tháng đầu năm nay, với trên 3,33 tỷ USD.
Nhưng dù vốn đầu tư ít, thì một thực tế là, Hàn Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để nắm giữ vị trí dẫn đầu trong quý I/2014. Tất nhiên, nếu tính lũy kế, Nhật Bản vẫn giữ ngôi vương, với trên 35,3 tỷ USD, sau đó mới đến Hàn Quốc, với trên 30,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, tới đây, chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào".
"Hiện tại ở Việt Nam, có những tên tuổi lớn như Samsung, LG… đầu tư. LG cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm ở Việt Nam một số lĩnh vực khác. Theo thông tin của KOTRA, thì tập đoàn này đang trong quá trình xem xét một số dự án tỷ USD để đầu tư vào Việt Nam", ông Park Chang Eun, Phó giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội cho biết.
Thông tin những ngày gần đây cũng cho biết, Shinsegae - một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng đang muốn kinh doanh siêu thị tại Việt Nam. Một kế hoạch mới được tiết lộ, đó là tập đoàn này, vốn được tách ra từ Tập đoàn Samsung, dự kiến đầu tư khoảng 65 triệu USD để xây dựng siêu thị ở TP.HCM.
Trong khi đó, một tập đoàn bán lẻ khác của Hàn Quốc - Lotte - vẫn đang trong quá trình bành trướng thanh thế của mình ở Việt Nam. Tuần trước, tập đoàn này vừa đưa trung tâm thương mại ở Hà Nội đi vào hoạt động, nâng tổng số trung tâm thương mại tại Việt Nam của Lotte lên 7 trung tâm, và đang từng bước thực hiện mục tiêu sở hữu 60 trung tâm thương mại trên cả nước vào năm 2020.
Kumho Asiana nhiều khả năng trong năm nay cũng sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn đầu tư cho dự án sản xuất lốp xe Kumho Tires ở Bình Dương Và tất nhiên, nhắc tới đầu tư của Hàn Quốc thì không thể không nhắc tới Samsung, tập đoàn hiện đã đầu tư 5,7 tỷ USD ở Việt Nam và sẽ nhanh chóng tăng lên trong thời gian tới, khi đại kế hoạch đầu tư vào Nhiệt điện Vũng Áng 3, Sân bay Long Thành, nhà máy đóng tàu ở Khánh Hòa… thành hiện thực.
"Các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể sẽ xoay chuyển tình hình bằng các dự án lớn", TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã bình luận như vậy về "phong cách" đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc - những nhà đầu tư thường mạnh mẽ và nhanh chóng chớp thời cơ, để đưa ra các quyết định rất dứt khoát. Điều này có vẻ trái ngược với xu hướng chậm mà chắc, luôn tính toán một cách cực kỳ cẩn trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Nhìn vào thực tế hiện nay, dù những tên tuổi lớn của Nhật Bản như Honda, Panasonic, Toyota… đều có mặt ở Việt Nam, nhưng dự án quy mô lên tới tỷ USD vẫn là hàng hiếm. Mới nhất có Dự án Tokyu (Bình Dương), 1,2 tỷ USD; Bridgestone (Hải Phòng), 1,22 tỷ USD; hay Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), 9 tỷ USD, với phần tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản gần 40%...
Xu hướng đầu tư của Nhật Bản những năm gần đây đang thiên về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với các dự án quy mô vốn không lớn. "Hiện có khoảng 7 doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư vào Việt Nam, thông qua sự hỗ trợ của chúng tôi. Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng đang là mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản", ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói và cho biết, ông vừa chính thức kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, khi trở về Nhật Bản, sẽ nỗ lực hết mình để kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Song thực tế là, một khi các dự án Nhiệt điện Vân Phong hay Nhiệt điện Nghi Sơn, với sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, được cấp chứng nhận đầu tư, thì Nhật Bản vẫn sẽ vững ngôi đầu.
Mặc dù vậy, với Việt Nam, dù Nhật Bản hay Hàn Quốc ở ngôi vương không hẳn đã là điều quan trọng, mà quan trọng là, một khi các dự án lớn nói trên được cấp chứng nhận đầu tư, thì có thể xoay chuyển tình thế vốn FDI sụt giảm trong hiện tại.
Nguyên Đức – Báo Đầu tư
Xem tin gốc tại đây