Số liệu về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) quý đầu năm 2015 làm dấy lên một số quan ngại về khả năng thu hút nguồn vốn quan trọng này. Tính đến ngày 20-3-2015 mới chỉ có 267 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD, tuy tăng 6% về số dự án nhưng lại giảm 40,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Nếu tính thêm cả vốn đăng ký cấp mới và vốn cấp bổ sung thì cũng chỉ được gần 1,84 tỷ USD, giảm tới 44,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ðáng chú ý là sự sụt giảm mạnh này lại tương tự như cùng kỳ năm 2014 khi đến ngày 20-3-2014 vừa giảm 6% về số dự án vừa giảm 38,6% về số vốn đăng ký, còn nếu tính chung vốn đăng ký cấp mới và vốn cấp bổ sung cũng giảm tới 49,6% so với cùng kỳ năm 2013. Ở chiều hướng ngược lại, vốn FDI thực hiện quý I-2015 lại tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014 - tiếp nối xu hướng tăng 5,6% của năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013.
Thực trạng thu hút và sử dụng FDI hai năm gần đây cho thấy: Mặc dù vốn đăng ký cấp mới quý I-2014 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước song cả năm 2014 vẫn chứng kiến số dự án tăng gần 25% với số vốn đăng ký tăng gần 10%. Do vậy, tình hình thu hút FDI quý I vừa qua là biểu hiện đáng quan tâm song không phải quyết định cả năm vì chỉ cần phê duyệt một vài dự án FDI lớn có quy mô một vài tỷ USD thì tổng vốn đăng ký đã có thay đổi lớn. Hơn nữa, do thu hút vốn FDI đang trong quá trình cơ cấu lại nên việc lựa chọn phê duyệt các dự án FDI ngày càng cẩn trọng hơn, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương. Theo đó, chúng ta không chỉ quan tâm tới quy mô dự án, số lượng dự án mà còn quan tâm nhiều hơn tới chất lượng dự án, tác động của dự án tới tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương, từng vùng lãnh thổ cũng như bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quy mô vốn đăng ký của các dự án FDI có xu hướng thu hẹp lại một phần do tính khả thi của dự án đã được kiểm soát tốt hơn trong quá trình phê duyệt dự án, phần khác là do cơ cấu ngành thu hút FDI đã tương đối ổn định khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo thường xuyên chiếm hơn 70% tổng vốn đăng ký mới và bổ sung. Ngành bất động sản đứng vị trí thứ hai với trên dưới 10% tổng vốn đăng ký.
Hoạt động của khu vực FDI cũng ngày càng đi vào thực chất hơn với hai biểu hiện rõ ràng nhất là tổng số vốn FDI thực hiện liên tục ổn định từ năm 2008 đến nay với quy mô 10-11,5 tỷ USD mỗi năm - đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta, đặc biệt là trong duy trì tổng vốn đầu tư toàn xã hội, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và tăng kim ngạch xuất khẩu, ổn định cán cân thương mại. Chỉ tính riêng quý I-2015, trong khi kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm 5,1% thì của khu vực có vốn FDI lại tăng 12,9% và đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính dầu thô thì khu vực có vốn FDI còn xuất khẩu tăng tới 16,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, dòng vốn FDI vào Việt Nam ba tháng đầu năm đang phát đi những tín hiệu chuyển dịch quan trọng trong khi vẫn duy trì định hướng tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu. Nếu quá trình cơ cấu lại nguồn vốn FDI, từ nhà đầu tư tới lĩnh vực và địa bàn đầu tư gắn bó chặt chẽ và hữu cơ với tiến trình cơ cấu lại kinh tế của Việt Nam thì nhất định sẽ phát huy hiệu quả cao hơn nữa, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
ANH VŨ (Nhân dân)
Xem tin gốc tại đây