Ngày 5/9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thay thế Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Nghị định số 46/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2008/NĐ-CP.
Nghị định mới ban hành quy định chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó quy định người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Người sử dụng lao động chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài sau khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản cho từng người sử dụng lao động đối với từng vị trí công việc.
Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lao động: ngoài các văn bản được quy định tại Nghị định 34/2008/NĐ-CP và Nghị định 46/2011/NĐ-CP, Nghị định mới bổ sung thêm văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài và bản sao hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Nghị định này còn giảm thời gian cấp phép từ 15 ngày xuống còn 10 ngày sau khi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận đủ hồ sơ.
Sau khi được cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động. Nội dung hợp đồng lao động không được trái với nội dung ghi trong giấy phép lao động.
Cũng tại quy định này, khái niệm về gia hạn giấy phép lao động không còn tồn tại mà thay vào đó là cấp lại giấy phép lao động. Giấy phép lao động được cấp lại nếu bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động như họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số hộ chiếu; địa điểm làm việc và Giấy phép lao động hết hạn.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động mà không thuộc các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2013. Đối với giấy phép lao động đang còn hiệu lực tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải đổi giấy phép lao động mới.
Vui lòng xem bản đầy đủ Nghị định này tại chuyên mục Pháp luật đầu tư của trang web này./.
Kiều Trang - IPCDanang