Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn và chứng kiến sức vươn mạnh mẽ trong một số ngành công nghiệp trước thềm hội nhập ASEAN năm 2015. Tạp chí The Establish Post gợi ý 4 ngành hút tiền nhà đầu tư ngoại ở Việt Nam.
Điện tử
Việt Nam nổi lên như một nhà xuất khẩu hàng điện tử quan trọng, với các sản phẩm điện - điện tử vượt qua cà phê, dệt may, gạo và trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu quốc gia năm 2012.
Từ con số 0%, Việt Nam hiện đang chiếm 6% thị trường thiết bị máy tính và viễn thông khu vực. Gần đây, Việt Nam thu hút được các khoản đầu tư đáng kể từ những tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, như Samsung và Mitsubishi.
Giới phân tích nhận định rằng một khi Thái Lan di chuyển chuỗi giá trị, Việt Nam sẽ "nhảy" vào lấp chỗ trống.
Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT)
Nếu 3 năm trước đây, đầu tư nước ngoài vào mảng công nghệ thông tin và truyền thông ở Đông Nam Á giảm mạnh (FDI của Indonesia giảm hơn 30%, Philippines giảm 40%) thì nay khi ASEAN tiến gần hơn với việc thành lập khối thương mại thống nhất, hợp tác khu vực giữa các nhóm càng củng cố, đồng thởi mở rộng cửa cho phần còn lại của thế giới.
Một trong những sáng kiến đó là Asean ICT Masterplan 2015 nhằm mở rộng tầm với dịch vụ, như băng thông rộng và cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển năng lực sáng tạo và khuyến khích FDI.
Từ khi ra mắt năm 2011, sáng kiến đã thu hút khoảng 60 dự án, từ xây dựng năng lực đến đào tạo để phát triển khuôn khổ cho hợp tác, phối hợp trong lĩnh vực chính phủ điện tử, an ninh mạng...
Ngành công nghiệp này đang phát triển với tốc độ ấn tượng, thu hút hơn 11,7 triệu nhân sự toàn khu vực, tạo ra hơn 32 tỉ USD - chiếm hơn 3% GDP của ASEAN.
Thêm vào đó, dân số trẻ am hiểu công nghệ đang chuyển từ dùng điện thoại tính năng sang điện thoại thông minh - chiếm khoảng 66% thị trường di động. Thị trường này chưa có dấu hiệu bão hòa và hứa hẹn tiếp tục bành trướng với nhiều cơ hội béo bở.
Dệt may
Trong Đông Nam Á, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất kế thừa ngành sản xuất dệt may giá trị giá trị gia tăng thấp từ Trung Quốc. Trái với các nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu khu vực (Indonesia, Thái Lan, Malaysia), thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng lên trong vài năm qua.
Dệt may tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, sử dụng 1,3 triệu lao động liên quan trực tiếp và hơn 2 triệu công việc phụ trợ khác. Nhu cầu sợi bông của Việt Nam là 400.000 tấn trong năm 2012, chủ yếu nhập từ Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi.
Thiết bị y tế
Tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, xét theo một khía cạnh nào đó, sẽ là điểm báo hiệu sự khởi đầu cho một dân số già, từ đó bùng nổ thương mại thiết bị y tế trong tương lai.
Năm 2013, thị trường thiết bị y tế của ASEAN đạt giá trị 4,6 tỉ USD và dự kiến tăng gấp đôi lên 9 tỉ USD vào năm 2019, theo Pacific Bridge Medical.
Thị trường thiết bị y tế các nước trong khu vực gần đây cũng tăng trưởng 2 con số và khả năng tiếp tục đà tăng như vậy.
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt hơn được khuyến khích bởi chính sách ưu tiên tự do hóa ngành thương mại và dịch vụ của chính phủ, thị trường thiết bị y tế trong ASEAN hứa hẹn tiềm năng khổng lồ.
Châu Luân dịch (Tuổi Trẻ)
Xem tin gốc tại đây