(10/09/2013) Chính phủ ra Nghị quyết nâng cao hiệu quả thu hút FDI
Ngày 29/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, có tác động lan tỏa đến các khu vực của nền kinh tế, thúc đẩy Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, thu hút FDI vẫn chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án FDI nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, một số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách, không bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên được chỉ rõ trong Nghị quyết là do hệ thống luật pháp chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán. Việt Nam chưa chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho FDI vận hành một cách có hiệu quả, như: kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp nhà nước, quy hoạch, rào cản kỹ thuật hợp lý... Việc thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
Trước tình trạng trên, để phù hợp với tình hình mới, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư, Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ định hướng FDI trong thời gian tới là tạo bước chuyển mạnh mẽ về thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường... Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất...
Để thực hiện các định hướng đề ra, Nghị quyết đưa ra 5 nhóm giải pháp thực hiện: (1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực; (2) Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; (3) Hoàn thiện tiêu chí cấp Giấy chứng nhận đầu tư; (4) Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; (5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.
Theo Nghị quyết, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó là rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành, trước hết là các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chuyển giao công nghệ…
Về các chính sách ưu đãi đầu tư, Nghị quyết nêu rõ cần điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi về thuế theo hướng gắn ưu đãi theo ngành, lĩnh vực ưu tiên theo vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự phân công lao động giữa các địa phương; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; nghiên cứu, bổ sung ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp. Đồng thời, rà soát, bỏ bớt các hạn chế không cần thiết và cho phép tham gia nhiều hơn vào các thị trường vốn, thị trường tài chính trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng chặt chẽ.
Ngoài căn cứ xét ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn, cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư như: Dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến...
Trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, Nghị quyết đưa ra giải pháp, định kỳ hằng Quý phải rà soát, phân loại các dự án đầu tư nước ngoài để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật... Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài của các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép./.
Anh Đức – Tạp chí kinh tế và Dự báo