Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

News

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Kết nối, thúc đẩy, mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc và Việt Nam tại miền Trung
Author: Nghĩa Thanh Nguyễn Updated: 11/06/2024 Views: 64

Ngày 10-6, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức “Diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam khu vực miền Trung”, với tham gia của 40 doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực ICT.


 

Diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam khu vực miền Trung

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng Kang Boo Sung nhận định, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trên cơ sở trao đổi giao lưu tích cực, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã được nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”; lãnh đạo hai nước đã nhất trí mở rộng và tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và năng lượng. Thỏa thuận này đang được triển khai một cách hiệu quả thông qua việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), cũng như việc thúc đẩy các dự án hợp tác công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyển đổi số Hàn Quốc – Việt Nam.

Tính riêng trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã vượt 76,1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Trong lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế là 85,9 tỷ USD. Ngoài ra, khoảng 3,6 triệu người Hàn Quốc đã đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia có lượng người đến thăm Việt Nam nhiều nhất.

Theo Tổng lãnh sự Kang Boo Sung, việc đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực sản xuất truyền thống sang các ngành công nghiệp mới như công nghiệp xanh và công nghiệp công nghệ cao. Khu vực miền Trung Việt Nam là nơi mà các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc hiện đang hoạt động tích cực, tập trung ở thành phố Đà Nẵng, nơi có các trường đại học đào tạo bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin hàng đầu, trong đó có Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU).

“Diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam cũng như giúp tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp ICT của hai nước. Với tiền đề là Diễn đàn hôm nay, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp ICT của hai nước sẽ trở nên tích cực hơn”, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng chia sẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, công nghệ thông tin đã được xác định là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 43 ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trong nhiều năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo động lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Đà Nẵng trở thành địa điểm hấp dẫn, hội tụ các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, là địa phương dẫn đầu trong nhiều năm liền về chỉ số sẵn sàng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cả nước.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh phát biểu tại diễn đàn

Ngành công nghệ thông tin thành phố tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng, là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Doanh thu toàn ngành năm 2023 đạt 36.571 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022. Kinh tế số Đà Nẵng đóng góp khoảng 20% cơ cấu GRDP toàn thành phố. Thành phố hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, đứng thứ hai sau thành phố Hồ Chí Minh, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc; số lượng nhân lực công nghệ số khoảng 53.000 người.

Trên địa bàn thành phố hiện có 3 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng với 2.200 nhân lực, lấp đầy 100%; Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng; Khu FPT Complex hiện có hơn 6.500 nhân lực. Đặc biệt, thành phố đang hoàn thiện, đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 vào cuối năm 2024, dự kiến thu hút 6.000 nhân lực.

 “Những kết quả có được là nhờ sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có sự đồng hành sát sao của các doanh nghiệp Hàn Quốc về công nghệ thông tin, công nghệ số đầu tư tại thành phố”, ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ. Đồng thời cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn có số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại thành phố với 279 dự án  và luôn giữ vững vị thế top 5 về tổng vốn đầu tư của các quốc gia đầu tư vào Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư là 382 triệu USD.

Về mục tiêu phát triển trong thời gian đến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thông tin, từ cuối năm 2023, thành phố đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng; triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối các tập đoàn, cơ sở đào tạo, đối tác trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo, trong đó chú trọng công đoạn thiết kế chip và lắp ráp, kiểm thử, đóng gói; mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 5.000 nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, với 1.500 nhân lực thiết kế vi mạch và 3.500 nhân lực về đóng gói, kiểm thử; góp phần đưa Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. 

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang chủ động và tích cực kiến tạo nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong tương lai khi tập trung phát triển và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng ICT, nhân lực ICT, chính sách ICT, thu hút đầu tư ICT trong thời gian tới, trong đó, tập trung mũi nhọn lĩnh vực thiết kế chip và AI.

“Chính quyền thành phố cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội đầu tư tại Đà Nẵng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cùng phát triển. Chúng tôi không ngừng phấn đấu để môi trường đầu tư kinh doanh ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới tạo điều kiện để tiếp tục xây dựng, phát triển kinh tế số Đà Nẵng”, ông Nguyễn Quang Thanh nhấn mạnh.

(Nguồn: https://danang.gov.vn/vi/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=59285&_c=3)


Category:

Quản lý nội dung HTML

Address

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

Contact

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

License No. 124/GP-STTT by Authority of Danang Department of Information and Communications issued on February 20, 2017

Subsidiary Responsible Person: Mrs. Huynh Lien Phuong - Director of Danang Investment Promotion Agency