Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

News

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Đà Nẵng dồn sức hướng tới cạnh tranh quốc tế
Author: Nghĩa Thanh Nguyễn Updated: 08/08/2022 Views: 7

Để sẵn sàng cho cuộc đua tranh quốc tế, Đà Nẵng cần những dự án hạ tầng đủ tầm mới tạo được “xa lộ” để tăng tốc phát triển.


Để sẵn sàng cho cuộc đua tranh quốc tế, Đà Nẵng cần những dự án hạ tầng đủ tầm mới tạo được “xa lộ” để tăng tốc phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu

Nâng tầm để cạnh tranh quốc tế

Tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, do Báo Đầu tư đã phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức mới đây, PGS - TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Đà Nẵng giờ đây không nên chỉ nghĩ “đua tranh” với các địa phương trong nước, mà cần vươn tầm quốc tế.

Trên thực tế, trong hành trình phát triển, so với nhiều địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, Đà Nẵng đã có sự phát triển “thần tốc” nhờ tạo lập được kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với không gian nhỏ hẹp; đô thị chỉ gói gọn trong quận Hải Châu với gần 100 con đường có tổng chiều dài gần 300 km và duy nhất 1 cây cầu Nguyễn Văn Trỗi trên sông Hàn trước năm 1997, giờ đây Đà Nẵng đã bứt phá ngoạn mục.

Với chiến lược “hạ tầng đi trước”, TP. Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, chỉnh trang, cải thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu phố cũ.

Đến nay, quy mô đô thị của Đà Nẵng đã mở rộng lên gấp nhiều lần, với hơn 2.000 con đường; 6 cây cầu mới, hiện đại bắc qua sông Hàn kết nối đôi bờ, đưa Thành phố phát triển về phía biển.

Các tuyến đường ven biển như đường Nguyễn Tất Thành, đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa kết hợp với hầm đường bộ Hải Vân nối các khu du lịch của TP. Huế với khu du lịch bán đảo Sơn Trà, TP. Hội An đã tạo nên một động lực phát triển to lớn cho Đà Nẵng, biến trục đường này trở thành “con đường tỷ đô” bởi sự hiện diện của hàng loạt doanh nghiệp lớn.

Nhờ sự lột xác ngoạn mục này, mà Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển năng động, đáng sống và là địa chỉ đỏ của du khách trên bản đồ du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, đó chỉ là so với nhiều địa phương trong nước, còn nếu nhìn xa hơn trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, Đà Nẵng vẫn còn “bé nhỏ” trong cuộc đua tranh.

Thậm chí, sau chặng đường tăng trưởng mạnh, đã xuất hiện nhiều “điểm nghẽn” cho kinh tế Đà Nẵng. Hạ tầng giao thông là một trong những lực cản đó.

Đơn cử như Tiên Sa - cảng biển quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung đang dần mất đi vị thế bấy lâu. Nằm trong lòng TP. Đà Nẵng nên diện tích kho bãi của cảng Tiên Sa khá hẹp (khoảng 27 ha), không thuận tiện cho mục tiêu phát triển dịch vụ logistics quy mô lớn. Việc kết nối giao thông với các phương thức vận tải khác gặp nhiều trở ngại do đường dẫn vào cảng xung đột với giao thông đô thị lẫn tuyến đường biển du lịch của Đà Nẵng.

Về hàng không, trước thực tế nhà ga T1 và T2 của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đều đã quá tải trước khi dịch bệnh diễn ra, nên chính quyền TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch và triển khai mở nhà ga T3. Với hiện trạng du lịch đang phục hồi mạnh mẽ như hiện nay, quá tải sân bay sẽ rất nhanh quay lại.

Nhận định về tương lai,  TS. Lương Hoài Nam cho rằng, Đà Nẵng còn rất nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, với công suất hiện tại, sân bay Đà Nẵng có thể sẽ là nút thắt trong phát triển kinh tế.

“Sân bay Đà Nẵng có thể mở rộng lên 30 - 40 triệu lượt khách/năm và phát triển nhanh về phía Đông. Nhưng việc này phải làm nhanh để đón đầu làn sóng du lịch phục hồi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Đà Nẵng trong tương lai”, TS. Hoài Nam đề xuất.

Chung nhận định này, PGS - TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, đã đến lúc, Đà Nẵng cần xác định tọa độ cho việc phát triển; trong đó, lưu ý việc trở thành tọa độ kết nối quốc tế bằng những dự án hạ tầng lớn và trọng điểm như cảng và sân bay.

“Đà Nẵng phải đặt mình vào tư thế đua tranh với quốc tế để trở thành điểm đến hàng đầu, đáng sống hạng nhất”, ông Thiên nói.

Dồn sức cho hạ tầng

Trước thực tế khó vươn biển lớn nếu không có những “đường băng” đủ tầm, TP. Đà Nẵng đang ráo riết hiện thực hoá những dự án hạ tầng trọng điểm như khởi công cảng Liên Chiểu trong năm 2022.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Liên Chiểu sẽ là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam với diện tích 469,55 ha, trong đó bến cảng là 450 ha, gồm 8 bến container dài 2.750 m cho tàu tải trọng đến 200.000 DWT.

Việc đầu tư cảng Liên Chiểu cũng được chia ra làm 2 hợp phần. Trong đó hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP. Đà Nẵng. Hợp phần B có tổng diện tích 44 ha, quy mô 2 cầu cảng sẽ kêu gọi xã hội hoá.

Cạnh đó, HĐND Thành phố cũng đã thông qua chủ trương đầu tư đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với quy mô vốn 1.203 tỷ đồng.

Hiện nhiều tập đoàn lớn đang quan tâm đầu tư vào cảng Liên Chiểu. Trong đó, liên doanh giữa Tập đoàn Adani (Ấn Độ) với Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát đã được UBND TP. Đà Nẵng trao chứng nhận cho phép tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án Cảng biển Liên Chiểu.

Ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Tổng công ty phát triển cảng của Tập đoàn Adani khẳng định, đang xúc tiến việc đầu tư 10 tỷ USD vào một số ngành quan trọng tại Việt Nam và Đà Nẵng sẽ là điểm khởi đầu trong hành trình này.

“Chúng tôi cam kết phát triển cảng Liên Chiểu trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới, góp phần đưa Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế thương mại của toàn khu vực miền Trung Việt Nam”, ông Sandeep Mehta khẳng định.

Không chỉ có Tập đoàn Adani, liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã bày tỏ kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu thành cảng quốc tế với lãnh đạo thành phố.

Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang có kế hoạch đầu tư Nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm (có thể mở rộng lên 150.000 tấn/năm) trên diện tích 2,68 ha, để trở thành một trong ba trung tâm logistics hàng không chuyên dụng tại Việt Nam. Công trình dự kiến thực hiện trong thời gian 2023 - 2024.

Còn Nhà ga hành khách T3 với công suất 15 triệu lượt hành khách/năm cũng dự kiến khởi công trong giai đoạn 2025 - 2030 để trở thành một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam cũng như điểm đến hấp dẫn tại châu Á vào năm 2030. Hiện, thành phố đang tích cực phối hợp hoàn thành công tác lập Quy hoạch nâng cấp nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Ở thời điểm hiện nay, Đà Nẵng cũng đang dồn sức thực hiện Đồ án Quy hoạch chung với mục tiêu hình thành hai vành đai kinh tế. Trong đó, vành đai phía Bắc sẽ tập trung vào “công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics”; còn vành đai phía Nam tập trung “đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Đô thị Đà Nẵng cũng sẽ hình thành 12 phân khu chức năng mà trong từng phân khu sẽ có những dự án lớn, tạo ra nhiều động lực và dư địa phát triển cho Đà Nẵng.

Trước những mục tiêu này, Đà Nẵng đã và đang đầu tư các nguồn vốn lớn để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp hay hạ tầng đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, một trong những ưu tiên của Thành phố để thúc đẩy tăng trưởng là sẽ chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư.

“Đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, như tuyến đường vành đai phía tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, mở thêm các đường bay quốc tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu và nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác để tạo động lực cho tương lai của Thành phố”, ông Quảng khẳng định.

Năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án động lực, trọng điểm. Trong đó, riêng nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông có giá trị gần 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình.

Đà Nẵng cũng có Nghị quyết về chủ trương đầu tư 1.203 tỷ đồng xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; 274 tỷ đồng triển khai xây dựng cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu bắc qua sông Yên.

Thành phố đang nỗ lực phối hợp các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư triển khai các dự án: Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (phấn đấu khởi công dự án trong tháng 9-2022); di dời đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố (giai đoạn 1); nâng cấp nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam); dự án cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan…

(Nguồn: https://baodautu.vn/)


Category:

Quản lý nội dung HTML

Address

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

Contact

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

License No. 124/GP-STTT by Authority of Danang Department of Information and Communications issued on February 20, 2017

Subsidiary Responsible Person: Mrs. Huynh Lien Phuong - Director of Danang Investment Promotion Agency