Các nhà sản xuất chất bán dẫn đã đặt ra kế hoạch đầu tư đầy tham vọng nhất từ trước đến nay, theo đuổi cơ hội chỉ có một lần từ trước đến nay từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Số liệu từ fDi Markets cho thấy cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trên diện rộng.
Sau nhiều tháng suy đoán, Samsung Electronics đã công bố dự án FDI lớn nhất năm 2021 vào tháng 11 với khoản đầu tư 17 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất tại Taylor, Texas. TSMC (Đài Loan) và Intel (Hoa Kỳ) cũng có một năm bận rộn khi lần lượt công bố các dự án có vốn đầu tư 7,05 tỷ USD tại Nhật Bản và 7 tỷ USD tại Malaysia. Theo số liệu của fDi Markets, đầu tư mới vào lĩnh vực bán dẫn đạt 56,6 tỷ USD năm 2021 - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng đột biến 271,3% so với năm 2020. Dữ liệu những tuần đầu năm 2022 cho thấy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn đang gia tăng. Intel đã cam kết đầu tư 20 tỷ đô la để xây dựng một nhà máy sản xuất tại Ohio - dự án có vốn đầu tư lớn nhất tiểu bang này thu hút được. Bên cạnh đó, TSMC đã dành 44 tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất chỉ trong năm 2022.
Samsung đầu tư nhà máy bán dẫn tại Texas, Hoa Kỳ
Trong năm 2021, chỉ có lĩnh vực năng lượng tái tạo và truyền thông thu hút được nhiều vốn FDI hơn lĩnh vực chất bán dẫn, số liệu của fDi Markets cho thấy. Lĩnh vực năng lượng tái tạo đã thu hút được nhiều sự quan tâm nhất trong 3 năm liên tiếp với việc đại dịch tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng. Lĩnh vực này đã thu hút được 80 tỷ USD vốn FDI năm 2021, giảm 8% so với năm 2020, nhưng vẫn nằm trong chu kỳ siêu tốc bắt đầu vào năm 2019.
Trong khi năng lượng mặt trời và gió vẫn là những công nghệ điện xanh được quan tâm hàng đầu, 2021 là năm của hydro. Các nhà đầu tư nước ngoài đã công bố hơn 100 dự án có giá trị 29,7 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất hydro xanh và các lĩnh vực liên quan khác. Tuy nhiên, hiện tại, không có nhà máy hydro xanh thương mại nào được vận hành và sẽ mất một số năm để các dự án này thu về kết quả ban đầu.
Theo fDi Markets, lĩnh vực truyền thông thu hút được 64,4 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021. Sự bùng nổ kỹ thuật số đã mở đường cho Amazon, Huawei, Cloudfare và Alphabet cùng nhiều công tác khác công bố các dự án đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng đám mây trong suốt cả năm.
Các số liệu đầu tư cho thấy một bức tranh hỗn hợp cho ngành công nghiệp ô tô vào năm 2021, minh chứng việc chuyển đổi sang xe điện (EV) là một trò chơi có tổng bằng 0 (zero-sum game). Một mặt, đầu tư vào việc nâng công suất cho pin EV đạt 8,9 tỷ đô la năm 2021, giảm từ con số 12 tỷ đô la một năm trước đó, nhưng vẫn ở mức rất cao trong lịch sử. Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thiết bị ô tô giảm từ 20,2 tỷ USD năm 2020 xuống mức thấp kỷ lục mới là 19,4 tỷ USD vào năm 2021.
Dòng vốn đầu tư vào ngành dầu khí giảm mạnh khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm năng lượng và trong phương tiện giao thông ngày càng giảm. Lĩnh vực này chỉ huy động được 16,2 tỷ USD vốn FDI năm 2021, giảm sâu so với mức thấp kỷ lục 47,6 tỷ USD năm 2020. Lần đầu tiên kể từ khi fDi Markets bắt đầu thu thập dữ liệu, lĩnh vực này không nằm trong top 10 ngành nhận vốn FDI lớn nhất. Đầu tư vào công suất khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng không ngoại lệ, mặc dù ghi nhận những biến động thị trường dẫn đến chênh lệch mức giá trong thời gian vừa qua.
Theo số liệu của fDi Markets, chu kỳ đầu tư vẫn còn khắc nghiệt đối với lĩnh vực khách sạn và du lịch. Lĩnh vực này chỉ huy động được 8 tỷ USD năm 2021, giảm từ 14,6 tỷ USD năm 2021.
(Bài viết gốc: https://www.fdiintelligence.com/article/80638)
(IPA Đà Nẵng, lược dịch từ fdiintelligence.com)