Hiện Đà Nẵng đang xây dựng và triển khai các giải pháp để khơi thông nguồn vốn đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: THÀNH LÂN |
Trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.371 tỷ đồng, giảm 3 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN) và giảm hơn 14.170 tỷ đồng so với cùng kỳ; cấp mới 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,135 triệu USD, giảm 37 dự án so với cùng kỳ. Ngoài ra, thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.672 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 13.596 tỷ đồng; giảm 13,4% về số doanh nghiệp và giảm 18,2% về số vốn so với cùng kỳ 2020.
Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương, Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện thành phố nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước. Phần lớn các dự án có nhu cầu sử dụng đất lớn, phải chờ phê duyệt nên thời gian xúc tiến kéo dài. Hiện nay có 29 dự án FDI đang được xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 5,145 tỷ USD, thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển, giáo dục, y tế, thương mại, logistics, khu phức hợp đô thị thông minh, trung tâm tài chính, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại quy mô quốc tế… Tuy nhiên, đến nay, tiến độ xúc tiến các dự án kéo dài và phụ thuộc nhiều vào tiến trình lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để khơi thông điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Song, muốn thu hút đầu tư phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, chi tiết, cụ thể… Thế nhưng, đây lại là lĩnh vực còn một số vướng mắc, đơn cử như trường hợp dự án Golden Hills của Tập đoàn Trung Nam là một minh chứng khi dự án đã triển khai hơn 10 năm nay nhưng hiện vẫn còn 40 hộ chưa giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ kỹ thuật toàn dự án. Cùng với đó, nhiều dự án khác đang xúc tiến đầu tư cũng gặp khó khăn như: Trường liên cấp quốc tế, Trung tâm chẩn đoán y khoa, Trung tâm thương mại Go, Khu đô thị đại học, Khu tổ hợp giải trí, thể thao và Trung tâm thương mại Hòa Xuân...
Hoạt động sản xuất ở Nhà máy nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT - Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng Kim Jinmo cho biết, chính quyền thành phố có vai trò rất lớn trong việc xử lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư tại thị trường địa phương. Trong khi đó, theo ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Chi hội Đà Nẵng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, thành phố sớm thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng do Đà Nẵng phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu từ các thành phố lớn. Nếu không có sự lưu thông kết nối với Hà Nội và các tỉnh phía nam thì rất khó cho doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại cấp cao HEINEKEN Việt Nam; Tổng Giám đốc HEINEKEN Đà Nẵng cho rằng: “Về dài hạn, nền kinh tế thành phố cần được hỗ trợ để phục hồi trở lại. Trong khi hỗ trợ xuất khẩu là rất quan trọng đối với nền kinh tế thành phố. Chúng ta không được bỏ qua sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và nên hỗ trợ doanh nghiệp địa phương. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo thành phố cần quan tâm có kiến nghị sớm đến Chính phủ, Quốc hội xem xét hỗ trợ thuế và có sự ổn định trong chính sách thuế bằng cách không tăng thuế, không mở rộng đối tượng chịu thuế trong 2-3 năm tới vì doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi và hỗ trợ nền kinh tế...”.
Trước những khó khăn như vậy, thành phố đề ra các giải pháp cần triển khai để khơi thông nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong nước trong bối cảnh hậu Covid-19 như: khẩn trương ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế - xã hội và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư; tăng cường chuyển đổi số. Đặc biệt, triển khai các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất đã được UBND thành phố phê duyệt, tăng cường chỉ đạo công tác hỗ trợ nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư tại chỗ. Định kỳ 2 tuần/lần tổ chức họp rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang xúc tiến kết hợp giải quyết, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc liên quan đến đất đai để tạo thuận lợi cho việc tái khởi động các dự án…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa, nhất là các dự án như: đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân; Không gian sáng tạo Đà Nẵng; Trung tâm dược phẩm và dược liệu; Trung tâm thương mại quốc tế Đà Nẵng; Khu du lịch sinh thái Nam Ô; Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; Tổ hợp đô thị thông minh, phi thuế quan sườn đồi; dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đầu tư 3 khu công nghiệp mới (Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2); Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng… Đồng thời tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp…
(Nguồn: https://baodanang.vn/)