Cụm cảng Đà Nẵng được xác định sẽ là động lực kinh tế, thu hút đầu tư phát triển vùng. Trong ảnh: Một góc cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có 5 nhóm cảng biển. Trong đó, nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Nhóm số 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An.
Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Trong nhóm cảng biển thứ 3, Đà Nẵng với lợi thế kết nối gần nhất với Nam Lào, Bắc Campuchia, kết nối ngã 3 Đông Dương qua Thái Lan.
Cùng với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, cụm cảng Đà Nẵng được xác định sẽ là động lực kinh tế, thu hút đầu tư phát triển vùng.
Theo Bộ GTVT, hệ thống cảng biển sẽ được phân loại nhóm cảng biển theo quy mô, chức năng và hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.
Trong đó, hệ thống luồng hàng hải, các công trình đèn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải, quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và các công trình phụ trợ được quy hoạch...
Để bảo đảm quy hoạch, Bộ GTVT cũng đã đề ra giải pháp về cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư và môi trường, khoa học và công nghệ.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
(Nguồn: https://baodanang.vn/)