Một số nội dung đáng chú ý của chính sách như sau:
1. Đối tượng được hỗ trợ
- Các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn thành phố (bao gồm cả hợp tác xã, không bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ.
- Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, nghiên cứu công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; giải mã công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, cải tiến công nghệ thực hiện chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả giải mã công nghệ.
- Các tổ chức thực hiện hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
2. Loại hình công nghệ được hỗ trợ
- Công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao.
- Công nghệ nhằm nâng giá trị gia tăng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; Công nghệ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động; Công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
- Tiếp nhận công nghệ tiên tiến; các phương pháp gia công mới, tiên tiến; công nghệ thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
- Nghiên cứu tạo công nghệ mới, thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ mới thay thế thiết bị nhập ngoại, nghiên cứu giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ.
- Thực hiện xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn, áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, hoạt động tiêu chuẩn hóa và sở hữu trí tuệ. Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ, tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ.
- Các trường hợp đặc biệt (hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của lĩnh vực, ngành, phát triểnkhoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố) do Chủ tịch UBND thành phố quyết định.
3. Nội dung được hỗ trợ
a) Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cá nhân khởi nghiệp, nhóm khởi nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở các doanh nghiệp các kiến thức quản lý công nghệ, cụ thể:
- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Kỹ năng lựa chọn công nghệ, đàm phán, xây dựng và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, năng suất, chất lượng, và các vấn đề có liên quan.
- Kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản trị dự án, tài chính, nhân sự… cho đội ngũ cán bộ quản lý của các doanh nghiệp.
- Quản lý sản xuất, các phương pháp quản lý hiện đại, tiên tiến, các công cụ phục vụ quản lý, phương pháp triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ở cơ sở sản xuất.
- Phương pháp đánh giá công nghệ.
- Hướng dẫn xây dựng bộ phận nghiên cứu và triển khai khi các doanh nghiệp có yêu cầu.
b) Hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ
- Chuyển giao công nghệ độc lập: Hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí quyết công nghệ.
- Mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ (mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 02 dự án)
+ Hỗ trợ đến 30% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ cao;
+ Hỗ trợ đến 15% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
- Trường hợp mua thiết bị công nghệ có kèm hợp đồng chuyển giao công nghệ thì hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ.
- Hỗ trợ đến 70% chi phí thực hiện:
+ Nghiên cứu tạo công nghệ;
+ Ươm tạo công nghệ;
+ Thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao;
+ Cải tiến công nghệ;
+ Đổi mới quy trình công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, giảm thiểu tác động sớm đến môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Nghiên cứu giải mã công nghệ (công nghệ cần giải mã là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố). Nội dung hỗ trợ bao gồm thực hiện nghiên cứu, thuê chuyên gia thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, lao động kỹ thuật, đo lường, thử nghiệm phục vụ hoạt động giải mã công nghệ.
- Các doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hỗ trợ có mức cao hơn đến 5% so với các mức quy định nêu trên. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hỗ trợ không quá 03 dự án mua thiết bị có hàm chứa công nghệ.
- Kinh phí hỗ trợ cho các dự án không vượt quá 03 (ba) tỷ đồng/doanh nghiệp trong một năm.
c) Hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ
- Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn
+ Hỗ trợ 30 triệu đồng cho xây dựng, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn (ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 27000..., các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác);
+ Hỗ trợ 35 triệu đồng khi tích hợp cùng một lúc nhiều tiêu chuẩn, các công cụ quản lý tiên tiến trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 10 triệu đồng thực hiện tái chứng nhận hệ thống quản lý;
+ Hỗ trợ 10 triệu đồng khi doanh nghiệp tích hợp bổ sung tiêu chuẩn quản lý khác vào hệ thống quản lý của doanh nghiệp đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.
- Hỗ trợ 10 triệu đồng/tiêu chuẩn để thực hiện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Hỗ trợ không quá 2 tiêu chuẩn/năm cho một doanh nghiệp.
- Hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm để đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn và đánh giá chứng nhận hợp quy. Hỗ trợ không quá 2 sản phẩm/năm cho một doanh nghiệp.
- Hỗ trợ 10 triệu đồng để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phát minh hoặc sáng chế hoặc giải pháp hữu ích của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ 3 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đăng ký sở hữu trong nước.
- Hỗ trợ 20 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đăng ký sở hữu ở nước ngoài.
- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký nhiều nhãn hiệu, nhiều kiểu dáng công nghiệp cho một sản phẩm thì chỉ hỗ trợ đăng ký một nhãn hiệu và một kiểu dáng công nghiệp. Một doanh nghiệp hỗ trợ không quá 03 (ba) nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp/năm.
- Tổng mức hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ cho một doanh nghiệp không quá 500 (năm trăm) triệu đồng/năm. Chỉ hỗ trợ 01 (một) lần cho các nội dung hỗ trợ về xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn.
d) Hỗ trợ tư vấn công nghệ
- Hỗ trợ thông tin giới thiệu tổ chức tư vấn, nhà cung cấp, chuyên gia, tư vấn lựa chọn công nghệ, lập dự án đổi mới công nghệ, đàm phán, lập hợp đồng chuyển giao công nghệ, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, tiếp nhận công nghệ. Giới thiệu các công nghệ mới, các kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp công nghệ.
- Hỗ trợ đến 70% kinh phí đánh giá công nghệ tại các doanh nghiệp, thẩm định và đánh giá công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp, tối đa không quá 5 (năm) triệu đồng/doanh nghiệp trong một năm.
- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tham gia sàn giao dịch công nghệ ảo
(Techmart Online) miễn phí trong thời gian 3 năm kể từ ngày đăng ký tham gia.
(Chi tiết các điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND và Quyết định 26/2019/QĐ-UBND được đăng tải tại trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ theo địa chỉ https://dost.danang.gov.vn/ho-tro-oi-moi-cong-nghe)
Xem Công văn 1296/SKHCN-QLCN tại đây.
(Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng)