Các công ty đều có phương án để thích nghi với tình hình hiện tại. TRONG ẢNH: Nhân viên Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech) thực hiện làm việc giãn cách theo yêu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: THU HÀ |
Chủ động thích nghi
Là một trong những công ty gia công phần mềm cho nước ngoài và phát triển phần mềm phục vụ chuyển đổi số cho cơ quan quản lý Nhà nước tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ông Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech, quận Hải Châu) cho rằng, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến các hoạt động của công ty như: trở ngại trong việc đi lại, không thể gặp gỡ, đẩy nhanh công tác xúc tiến hay khảo sát yêu cầu; triển khai tập huấn; chuyển giao công nghệ cho khách hàng như trước kia. Dự báo, kết quả kinh doanh của công ty trong năm nay sẽ không đạt được như kỳ vọng, mà chỉ có thể tăng ở mức 5-10% so với năm 2020.
Đồng quan điểm, ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Vietnam - chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, dịch bệnh kéo dài đã gây thiệt hại đáng kể đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phần mềm và nội dung số nói chung đã và đang duy trì tốt hoạt động của mình và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp so với các ngành nghề khác.
Tại Công ty Axon Active Vietnam vẫn đang duy trì tốt hoạt động sản xuất, bảo đảm khối lượng công việc ổn định cho hơn 500 nhân viên tại Việt Nam. “Tuy một số khách hàng của chúng tôi đã giảm đơn đặt hàng do chịu tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh trên toàn cầu trong thời gian qua nhưng nhìn chung không có sự sụt giảm đáng kể về khối lượng công việc”, ông Hải cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Huy, Tổng Giám đốc CP Tư vấn Datahouse Asia (quận Thanh Khê) phân tích, Covid-19 kéo theo nhiều rủi ro, nếu công ty có nhân viên mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định về nhân lực và các dự án đang phát triển của doanh nghiệp. Dù triển khai nhân viên làm việc tại nhà nhưng năng suất lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn các chi phí khác như thuê văn phòng nhưng không sử dụng; chi phí thuê thêm nhân sự bên ngoài, cộng tác cùng các công ty khác để bảo đảm chất lượng, tiến độ đã cam kết với khách hàng…
Phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu
Xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, vì vậy ngay khi dịch bệnh quay trở lại, các công ty đã tính đến phương án cho nhân viên làm việc tại nhà. Chia sẻ về điều này, ông Sử Huy cho biết, chủ trương của công ty là tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch của thành phố. Trên cơ sở đó, công ty cũng đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch riêng.
Theo đó, phần lớn nhân viên làm việc tại nhà, chỉ một số ít (khoảng 10%) phải có mặt ở công ty vì yêu cầu công việc. Nhân viên làm việc tại nhà được tạo điều kiện kết nối với các hệ thống của công ty để thực hiện công việc. May mắn là nguồn nhân lực của công ty không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên công việc cũng được triển khai bình thường. Còn tại Công ty CP Tư vấn Datahouse Asia, hơn một tháng nay, 100% nhân viên đều làm việc tại nhà và nhân lực lao động không bị biến động nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Huy chia sẻ, công ty cố gắng bảo đảm công việc cho mọi người và hỗ trợ thêm chi phí (điện và internet) cho nhân viên khi phải làm việc tại nhà. Do nhu cầu nhân lực nên công ty cũng tiến hành tuyển dụng trên các nền tảng mạng xã hội; ban tuyển dụng và ứng viên đều phỏng vấn trên ứng dụng trực tuyến.
Còn đối với Công ty Axon Active Vietnam - chi nhánh Đà Nẵng, đơn vị đã lên phương án làm việc giãn cách khi tình hình dịch bệnh phức tạp và chỉ duy trì tối thiểu số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng để hỗ trợ các trường hợp cấp bách. Còn các hoạt động khác được quản lý thông qua các kênh trực tuyến với phương thức làm việc linh hoạt, trực tiếp với khách hàng từ nước ngoài.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng những người làm trong lĩnh vực sản xuất phần mềm cho rằng, với lợi thế làm việc trực tuyến, các doanh nghiệp lớn và vừa chuyên gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do có lượng khách hàng và khối lượng công việc ổn định. Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ sẽ nhạy cảm hơn và bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn thách thức này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định bản lĩnh của mình.
Ông Đặng Ngọc Hải đánh giá, ngành công nghiệp phần mềm là một trong những ngành sản xuất may mắn vẫn duy trì hoạt động và tăng trưởng trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Đa số các công ty phần mềm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đóng góp GDP cho thành phố, duy trì việc làm với mức thu nhập cao cho người lao động.
“Chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp phần mềm sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Song gần đây, nhiều công ty gặp khó trong tuyển dụng lao động. tỷ lệ nhảy việc cao. Về lâu dài, điều này khiến cho ngành sản xuất phần mềm ở Việt Nam dần không còn hấp dẫn, khách hàng sẽ tìm kiếm đối tác ở thị trường khác. Nếu không có giải pháp hiệu quả về nguồn nhân lực sẽ làm mất đi cơ hội của chính mình trong ngành công nghiệp số này”, ông Hải bày tỏ.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở Thông tin và Truyền thông, doanh thu hoạt động công nghệ thông tin đạt 8.426 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 42,168 triệu USD, đạt 38,3% so với kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. |
(Nguồn: https://baodanang.vn/)