DSEC là tập hợp các doanh nghiệp phát triển phần mềm vừa và nhỏ tại Đà Nẵng với mục đích tăng cường chia sẻ cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua dự án, nguồn lực, kinh nghiệm, bồi dưỡng năng lực quản trị, lãnh đạo và các thông tin liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Câu lạc bộ được thành lập năm 2018, đến nay có hơn 17 thành viên, 500 kỹ sư và đã tổ chức được nhiều sự kiện, hoạt động.
Tại buổi tiếp Đoàn, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã giới thiệu về Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; quy hoạch, định hướng thu hút các ngành nghề trong đó nhấn mạnh công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút vào Khu công nghệ cao. Đồng thời, thông tin về những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án thu hút vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và các hỗ trợ đầu tư khác. Ông cho biết, Ban Quản lý KCNC và CKCN sẽ luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Theo thông tin từ Trưởng Ban Quản lý KCNC và CKCN, trong 03 tháng đầu năm 2021, có 06 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 150 triệu USD, đồng thời có 01 dự án dự kiến 135 triệu USD được cấp chủ trương nghiên cứu đầu tư.
Sau đó, Đoàn đã đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ Thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1) và được nghe đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng giới thiệu khái quát về các ưu đãi chính sách thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ Thông tin tập trung.
Trong chuyến làm việc, Đoàn đã thăm quan một số cơ sở sản xuất của doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao (Dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT...).
Ông Bùi Ngọc Vinh, Công ty ST United, Trưởng Ban điều hành DSEC, đại diện cho Đoàn công tác bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cùng sự đón tiếp nhiệt tình của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cùng Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Câu lạc bộ cùng các hội viên sẽ phối hợp quảng bá môi trường đầu tư thành phố, nghiên cứu phương án đầu tư các dự án phù hợp vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian đến.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, tại thành phố Đà Nẵng, ngành công nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông (ICT) đã có bước tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng với mức tăng trung bình 20%/năm. Riêng xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 25%/năm, trong đó, Nhật Bản và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm 36% thị phần xuất khẩu). Đến cuối 2019, ngành công nghiệp ICT đã chiếm tỷ trọng 7,7% GRDP của thành phố. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp ICT trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố (7,3%/năm).
Hiện nay, Đà Nẵng có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực ICT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Trong đó, 1.900 doanh nghiệp ngành nghề chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Toàn thành phố có 36.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, 20.000 người trong số đó làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Thành phố đã thu hút được 892 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 3.862 tỷ USD đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 40 dự án lĩnh vực công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư gần 7 triệu USD.
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp ICT sẽ đóng góp 15% trong tổng GRDP của thành phố. Trên thực tế, Đà Nẵng đang có nhiều lợi thế cạnh tranh để hiện thực hóa mực tiêu này./.
./.
THANH TRÚC – IPA ĐÀ NẴNG