Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

News

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Phát triển kinh tế tư nhân để nâng cao hiệu quả FDI
Author: Admin Admin Updated: 27/01/2021 Views: 31

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong hơn 33 năm qua thành công là chủ yếu, tồn tại là thứ yếu. Tuy tồn tại là thứ yếu, nhưng nếu không được khắc phục sớm, thu hút FDI trong giai đoạn tới, trước mắt đến năm 2030, sẽ không thể tiếp tục thành công như mong đợi. Trao đổi về chủ đề “Tiếp tục đổi mới để thu hút FDI thành công”, trước những tồn tại liên quan đến thu hút FDI thời gian qua, ngoài những nội dung cần bàn khác, xin được trao đổi về hai nội dung: (1) Các tồn tại hiện có của FDI Việt Nam cần được khắc phục gấp; (2) Phát triển kinh tế tư nhân để nâng cao chất lượng, hiệu quả của FDI tại Việt Nam.


Doanh nghiệp trong nước phải thực sự mạnh thì Việt Nam mới có được nền kinh tế tự cường. Ảnh: HÙNG LÊ

Các tồn tại cần khắc phục

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào tháng 10-2018, các tồn tại trong quá trình thu hút FDI sau đây đã được chỉ ra, nhưng đến nay, ở các mức độ khác nhau, vẫn chưa được khắc phục.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn không phát triển kịp theo mức tăng trưởng, đòi hỏi của FDI; việc bảo vệ môi trường trước tác động của hoạt động đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp FDI vẫn còn bị đe dọa, đối mặt với nguy cơ mất an toàn; mục tiêu về an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế và trật tự xã hội cũng đang đứng trước các hoạt động đầu tư nước ngoài tiêu cực; thu hút công nghệ cao chưa thành công; hợp tác và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ, có thể nói là chưa có; hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, về doanh nghiệp, đất đai, xây dựng,... thiếu đồng bộ, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung,... làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Các nguyên nhân chính dẫn đến các tồn tại trên, xin tóm tắt như sau:

Các sự cố về môi trường, sự cố sau xảy ra lớn hơn, nguy hại hơn sự cố trước (như Vedan và Fomosa là hai ví dụ điển hình), do công tác quản lý nhà nước lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm ở tất cả các khâu từ thẩm định đầu tư, nhập khẩu thiết bị công nghệ, liên kết quản lý giữa các bộ ngành với nhau và với các địa phương.CNHT không phát triển kịp theo mức tăng trưởng, đòi hỏi của doanh nghiệp FDI do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu công nghệ, nên không đáp ứng được các điều kiện sản xuất linh kiện, phụ tùng của các sản phẩm chính, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi đầu tư công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNHT cũng còn yếu và thiếu; chính sách phát triển CNHT tuy có, nhưng chủ yếu vẫn để các doanh nghiệp tự bươn chải. Chưa chọn ra được doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện trong những lĩnh vực CNHT mũi nhọn để tập trung xây dựng thành những mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nhà nước dù nắm giữ lượng tài sản rất lớn của quốc gia, nhưng phần nhiều vẫn không xây dựng được các doanh nghiệp mắt xích trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu tại Việt Nam.

Mục tiêu về an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế và trật tự xã hội có nguy cơ mất an toàn nếu vẫn tiếp diễn việc đầu tư chui, đầu tư núp bóng có phần tiếp tay của doanh nghiệp Việt Nam, có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động phổ thông từ Trung Quốc vào Việt Nam nhiều, cạnh tranh với lao động Việt Nam.

Thu hút công nghệ cao chưa thành công, do CNHT như đã nêu trên chưa phát triển, các doanh nghiệp có công nghệ cao, đã đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn, như Intel , Samsung, LG,... không tìm được các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của họ. Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp có vốn FDI hiện nay rất nhỏ, quy mô đầu tư dưới 10 triệu đô la Mỹ chiếm tới 89,5% (số liệu năm 2017), nên rõ ràng, với quy mô doanh nghiệp nhỏ như vậy không thể có công nghệ cao để chuyển giao cho các đối tác Việt Nam.

Liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ, có thể nói là chưa có. Tình trạng CNHT kém phát triển của Việt Nam, số lượng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhiều (chiếm tới 80% số doanh nghiệp có vốn FDI hiện có), và mức giá trị gia tăng tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp... là những bằng chứng rõ nét cho sự thiếu liên kết này.

Phát triển kinh tế tư nhân để nâng cao hiệu quả FDI

Việt Nam cần có cách tiếp cận mới với FDI, đó là phát triển doanh nghiệp trong nước đến đâu, thu hút đầu tư nước ngoài đến đó.

 

Làm heo đất tại Bình Dương. Ảnh: THÀNH HOA

Tại sao chúng ta lại nói về kinh tế tư nhân với FDI? Lý do là:

Doanh nghiệp trong nước phải thực sự mạnh thì Việt Nam mới có được nền kinh tế tự cường. Từ đó một yêu cầu cấp thiết được đặt ra: việc thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn tới phải mang lại hiệu quả về chất, có nghĩa là giá trị chuỗi sản xuất tại Việt Nam phải thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân hiện đang chiếm số lượng áp đảo, với khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến tháng 10-2020, nhưng trên 95% lại là những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho nên việc tập trung mọi nguồn lực hiện có (vốn bao gồm cả đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách ưu đãi, khuyến khích,...) để phát triển kinh tế tư nhân là một đòi hỏi cấp thiết trong thu hút FDI giai đoạn tới. Nếu để doanh nghiệp tư nhân cứ mãi là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu công nghệ,... lại còn bị nền hành chính chỗ này chỗ kia còn mang dấu ấn bao cấp - xin cho đè nén, Việt Nam sẽ không có đủ số lượng doanh nghiệp đủ lớn và mạnh để có thể liên kết, làm đối tác với các doanh nghiệp nước ngoài, để tiến tới làm chủ từng lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế. Tình trạng này càng kéo dài, dù thu hút được nhiều vốn FDI, Việt Nam sẽ vẫn chỉ là cái bóng mờ trong chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị nhận được không đáng kể.

Yêu cầu này đòi hỏi Việt Nam thay đổi cách nghĩ, cách làm với FDI trong giai đoạn mới (hay có thể gọi là cách tiếp cận mới với FDI), đó là phát triển doanh nghiệp trong nước đến đâu, thu hút đầu tư nước ngoài đến đó.

Định hướng đó có nghĩa là trong giai đoạn tới cần tập trung xây dựng những doanh nghiệp Việt Nam mũi nhọn trong các lĩnh vực, ngành nghề mà Việt Nam cần thu hút FDI để các doanh nghiệp này đi tiên phong, với các nhiệm vụ cụ thể liên kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tiến hành cùng đầu tư, sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Có kế hoạch xây dựng một số lượng cụ thể các doanh nghiệp Việt hàng năm theo ngành, địa bàn để liên kết đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ở đây cần đặc biệt chú trọng tới phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân, bởi trong quá khứ, vai trò của khu vực tư nhân trong việc thu hút FDI rất mờ nhạt. Cụ thể, trong giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa, từ năm 1987-2005, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn chưa được chú ý đúng mức. Kết quả là hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từng bước trở thành hình thức đầu tư chủ yếu trong khối doanh nghiệp FDI.

Đến giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2005-2013, việc thu hút FDI nặng về “hướng ngoại” khi luật pháp chú trọng vào khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Luật Đầu tư năm 2005 đã mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài, trong khi chính sách khuyến khích, giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài chưa rõ ràng để tạo đủ lực cho sự liên kết. 

Từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã bắt đầu dành sự quan tâm đến các doanh nghiệp trong nước. Quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không quy định phải có điều kiện đã dần dần được pháp lý hóa. Tuy vậy, vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể thúc đẩy, khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân trong nước để mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Tiếp đến, năm 2017, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3-10-2017 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sau đó Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019 về đầu tư nước ngoài. Đây là hai văn bản quan trọng, cần được phối hợp tổ chức một cách đồng bộ, để khắc phục được các tồn tại của FDI, và phát triển kinh tế tư nhân đáp ứng yêu cầu liên kết với FDI mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước.

(Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/)


Category:

Quản lý nội dung HTML

Address

18th Floor, Danang Administration Center,

24 Tran Phu St., Danang City

Quản lý nội dung HTML

Contact

84-236-3886243/3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Copyright of Danang Investment Promotion Agency

License No. 124/GP-STTT by Authority of Danang Department of Information and Communications issued on February 20, 2017

Subsidiary Responsible Person: Mrs. Huynh Lien Phuong - Director of Danang Investment Promotion Agency