Ngày 26/1, thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý), cho biết Công ty TNHH Đà Nẵng Telala thuộc tập đoàn Inoue Ribbon Industry Co.,ltd (Nhật Bản) vừa chính thức đi vào hoạt động sản xuất tại vị trí mới đường số 9 Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Telala chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may được Ban Quản lý chấp thuận cho di dời địa điểm đầu tư tháng 2/2020 với vốn đầu tư 152,3 tỷ đồng.
Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết cho hơn 140 người lao động, doanh thu hàng năm khoảng 77,6 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD.
Phối cảnh một dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng. (Ảnh: Ban Quản lý).
Trước đó một tháng, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (doanh nghiệp vốn Nhật Bản) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Dự án trên được Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Tọa đàm mùa xuân năm 2019, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD (tương đương 930 tỷ đồng Việt Nam), diện tích đất sử dụng 4 ha, dự kiến tuyển dụng mới hơn 3.300 lao động.
Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao của Daiwa Việt Nam dự kiến hoàn thành ngày 10/1/2022.
Đây là dự án thứ ba của của Daiwa Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, nâng tổng vốn đầu tư của ba dự án đều do công ty này đầu tư đến nay lên 90 triệu USD, tương đương 1.740 tỷ đồng Việt Nam.
"Năm 2020 với nhiều biến động do thiên tai dịch bệnh nhưng dự án vẫn triển khai xây dựng và đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm của các nhà đầu tư FDI đầu tư vào Đà Nẵng. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang đứng đầu các dự án FDI đầu tư vào Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng với 52 dự án đầu tư, vốn đăng ký là 644,396 triệu USD", Ban Quản lý, cho biết.
Tại một hội nghị được tổ chức mới đây, doanh nghiệp Nhật Bản, chia sẻ lý do chọn Đà Nẵng làm điểm đến đầu tư vì đã từng xem xét rất kĩ ở nhiều quốc gia khác nhau trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt là tập trung vào vấn đề nguồn nhân lực ngành CNTT, khả năng đáp ứng chuyên môn, ngoại ngữ tiếng Anh, đặc biệt là trình độ tiếng Nhật.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cũng đánh giá, Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nguồn lao động dồi dào với hệ thống các trường đại học trên địa bàn...
(Nguồn: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/)