Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; ông Nguyễn Thành Phúc - Cục Trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cùng hơn 200 chuyên gia, nhà cung cấp thiết bị công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.
Thành phố thông minh với 6 trụ cột ưu tiên
Việc triển khai đề án "Xây dựng thành phố thông minh" là một nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với mục tiêu hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 1-2018, UBND thành phố đã ban hành kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh, trong đó xác định 6 trụ cột với 16 lĩnh vực chuyên ngành trên cơ sở mô hình khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: Quản trị thông minh (Trung tâm Giám sát điều hành thông minh, Dịch vụ công thông minh, Dữ liệu mở); Kinh tế thông minh (Du lịch, thương mại và nông nghiệp thông minh); Môi trường thông minh(Quản lý năng lượng, quản lý cấp thoát nước và quản lý chất thải thông minh); Đời sống thông minh (Giáo dục, y tế và vệ sinh an toàn thục phầm, an ninh công cộng và ưng cứu khẩn cấp, Phòng chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn thông minh); Giao thông thông minh; Công dân thông minh. Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh được tổ chức theo mô hình cấu trúc phân lớp gồm: Môi trường tự nhiên (sông hồ, công viên, cây xanh..); Hạ tầng kỹ thuật (hệ thống cung cấp điện, nước, phương tiện giao thông, đường giao thông); Hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông (Trung tâm dữ liệu, mạng lưới viễn thông, máy tính, thiết bị di động, thiết bị IoT, mạng cảm biến); Dịch vụ thông minh (Các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông phân chia theo các lĩnh vực chuyên ngành); Hạ tầng (Nhân lực, cơ chế, chính sách, quy tŕnh nghiệp vụ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu)... để thực hiện các dịch vụ thông minh.
Tháng 11-2018, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6439 về "Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025" với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin truyền thông; mục tiêu đến năm 2020 là hình thành hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu thông minh đóng vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng thành phố thông minh.
Mục tiêu đến năm 2025 là thông minh hóa các ứng dụng để phục vụ doanh nghiệp, người dân, du khách và chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Dự kiến đến năm 2030, với hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông đa dạng và kho dữ liệu thu được từ công nghệ phân tích như: máy học, trí tuệ nhân tạo... sẽ góp phần thúc đẩy Đà Nẵng phát triển thành phố thông minh, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp, công dân nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh gọn bộ máy, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, trong 10 năm qua, Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về chỉ số chỉ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam - Vietnam ICT Index và đạt điểm tối đa về ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong nội bộ các cơ quan Nhà nước. Đây là những điều kiện thuận lợi để xây dựng thành phố thông minh, dựa trên nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử; hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và chính sách.. Đặc biệt, từ năm 2014, với nền tảng Hệ thống Chính quyền điện tử, thành phố đã được Tập đoàn IBM tư vấn Khung kiến trúc Thành phố thông minh phiên bản 1.0, bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực xe bus, kiểm soát nguồn cấp nước, thoát nước, an toàn thực phẩm. Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố khác đã và đang nỗ lực triển khai, xây dựng thành phố thông minh nhằm chuyển quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang tự động, dựa trên khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Cần chính sách đồng bộ phát triển Thành phố thông minh
Chia sẻ về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, TS. Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng, nếu chính quyền điện tử nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp… thì việc phát triển đô thị thông minh hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu Đà Nẵng xây dựng thành công thành phố thông minh, mỗi năm sẽ tiết kiệm 1.000 tỉ đồng các chi phí cũng như tiết kiệm 10-20% các nguồn lực.
Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế đã trao đổi những mô hình thực tiễn trong việc xây dựng đô thị thông minh dựa trên nhiều tiêu chí như: giao thông, phát triển bền vững, quản lý nhà nước, tiêu chuẩn sống...cùng các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để tạo nền tảng cho các dự án thành phố thông minh trên thế giới.
Cùng với việc giới thiệu cổng thanh toán điện tử, hệ thống xe tự lái khu vực nội đô, hệ thống nhận diện điện tử, mạng lưới cảm biến; hệ thống giúp tăng hiệu suất, giảm thất thoát nước, đảm bảo cấp nước ổn định cho cư dân và doanh nghiệp, kinh nghiệm sử dụng xe buýt điện và sử dụng sạc xe buýt giúp thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng sạch và bền vững... tại các quốc gia Châu Âu như Thụy Điển, Bỉ... và Singapore, ông Brian David Hull - đại diện ABB Group cung cấp giải pháp thiết bị, hệ thống kỹ thuật điện và tự động hóa tại Thụy Sỹ cho biết, việc khai thác sức mạnh từ công nghệ kỹ thuật số đã khiến các thành phố tại những quốc gia này trở thành một đô thị đáng sống, đẳng cấp thế giới và có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thành phố thông minh cần sự hợp tác hiệu quả trên toàn hệ sinh thái bao gồm các cơ quan chính quyền, cư dân và các chuyên gia về kỹ thuật và công nghệ số. "Xây dựng thành phố thông minh: Công nghệ sẽ mang tới một môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân” - ông Brian khẳng định.
Theo Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 đề án bao gồm hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh (từ nay đến năm 2020) là 941 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn triển khai BT chiếm 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư phát triển là 324,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, kinh phí thực hiện thông minh hóa các ứng dụng là 1.197 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ODA là 150 tỷ đồng, nguồn vốn PPP là 700 tỷ đồng (thực hiện Dự án Khu liên hợp chất thải rắn), nguồn vốn sự nghiệp CNTT là 5 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 42 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu phát triển và áp dụng các ứng dụng thông minh có thu phí với hình thức phù hợp và khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, dịch vụ thông minh vào cuộc sống để nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập và làm việc; đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí tái đầu tư cho các dự án ứng dụng thông minh khác.
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc triển khai Đề án cần đảm bảo sự kết nối giữa các sở ngành, quận huyện; sự chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương, tính liên thông liên vùng... trong việc triển khai Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh; đặc biệt là sự đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để hệ thống thống nhất về dữ liệu. Thành phố Đà Nẵng cần ưu tiên tập trung nguồn lực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu không gian đô thị, phục vụ công tác tham mưu hoạch định các định hướng phát triển thành phố và quản lý quy hoạch đô thị. Đồng thời, các cấp, các ngành cần đảm bảo không có sự chồng chéo, lặp lại, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Cùng quan điểm này, kiến trúc sư Trần Quốc Khải - Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng rằng phát triển đô thị thông minh là lĩnh vực phức tạp, cần tầm nhìn rộng và cách tiếp cận tích hợp liên ngành. Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần có các cơ chế chính sách đồng bộ đi kèm, cụ thể như các công nghệ chuyên dụng, cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân…tránh trường hợp cơ sở dữ liệu mỏng, phân tán, chưa số hóa và liên ngành; đặc biệt người quản lý, công dân trong đô thị thông minh cần có khả năng bắt kịp với công nghệ.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng - Công Tâm