Chính vì vậy, cần cải cách triệt để hệ thống thuế nhằm thích ứng với những cam kết giảm thuế từ Hiệp định. Doanh nghiệp cũng cần nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế xuất, nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để tận dụng được các cơ hội cũng như sẵn sàng cạnh tranh.
Những cam kết về thuế
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong CPTPP. Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 theo hạn ngạch thuế quan.
Trong CPTPP có 3 nước áp dụng thuế xuất khẩu là Việt Nam, Malaysia và Canada. Cả 3 nước này cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng bảo lưu; trong đó Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CPTPP có mức 5,8% (năm 2019), cao hơn đáng kể so với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực hiện.
Tuy nhiên, đến năm kết thúc lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, thuế suất bình quân CPTPP chỉ còn 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức thuế suất bình quân vào năm kết thúc lộ trình trong một số FTA như Hiệp định thương mại tự do ACFTA (3%), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) mức 4,1% và Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) mức 2%.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế với hàng xuất sang các nước thành viên CPTPP theo lộ trình, lên đến 15 năm. Bên cạnh đó là các cam kết không bên nào được đánh thuế nhập khẩu với một mặt hàng, bất kể xuất xứ từ đâu, khi được tái nhập khẩu vào lãnh thổ của bên đó, sau khi được tạm xuất khẩu sang lãnh thổ của một bên khác, để sửa chữa hoặc thay thế.
Ngoài ra, CPTPP còn miễn thuế nhập khẩu đối với hàng thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập khẩu vì mục đích nhất định, bỏ quy định tạm nhập và tái xuất cùng một cửa khẩu và cho phép phương tiện vận tải được phép đi qua bất kỳ tuyến đường nào, để xuất cảnh nhanh chóng và hợp lý.
“Cần lưu ý, trong CPTPP, các quốc gia được tạm hoãn nghĩa vụ rà soát định kỳ ngưỡng miễn thuế, có tính đến các yếu tố liên quan như tỷ lệ lạm phát, chi phí hành chính của việc thu thuế khi so sánh với số thuế, chi phí giao dịch qua biên giới.”, ông Thăng cho hay.
Cải cách triệt để hệ thống thuế
Theo Bộ Tài chính, CPTPP không phải là FTA đầu tiên của Việt Nam, trước CPTPP, Việt Nam đã có quá trình hơn 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế. Trong số 10 nước đối tác của Việt Nam trong CPTPP, Việt Nam đã có FTA với 7 nước gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, NewZealand, Nhật Bản và Chile.
Bộ Tài chính cho rằng, khi Việt Nam gia nhập CPTPP, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên do lộ trình đã được thông báo trước nên về cơ bản sẽ không gây tác động đột ngột.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, mặc dù nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, nhưng CPTPP cũng giúp Việt Nam mở rộng xuất nhập khẩu và từ đó các nguồn thu từ thuế cũng tăng nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng.
Ông Thịnh cũng cho rằng, cần cải cách hệ thống thuế một cách triệt để. Theo xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam phải mở rộng việc đánh thuế gián thu; đặc biệt là thuế VAT.
Thuế VAT của Việt Nam hiện đang thấp so với thế giới. Mức thuế VAT bình quân chung của tất cả các quốc gia trên thế giới là 16% trong khi Việt Nam hiện nay mới ở mức 9,7%. Như vậy, thuế VAT của Việt Nam còn cách rất xa mức bình quân chung của thế giới.
“Vì thế chúng ta phải mở rộng diện đánh thuế VAT, đồng thời nâng cao thuế suất thuế VAT”, ông Thịnh đề xuất.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần xem xét các loại thuế mới, đặc biệt là thuế đánh vào tài sản và thuế thu nhập cá nhân.
Thuế đánh vào tài sản tại Việt Nam thực hiện dưới dạng phí, hoặc các dạng khác. Đây không phải là thuế tài sản thật sự vì như thế ý nghĩa của nó không phát huy được. Ông Thịnh đề nghị, cần nghiên cứu đánh thuế tài sản để từ đó có nguồn thu. Nguồn thu này hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và chính đáng mà các quốc gia phát triển trên thế giới đang thực hiện.
Bên cạnh đó, mức thuế thu nhập cá nhân cũng cần được nghiên cứu để cải cách, bằng cách bớt các nấc thuế, các bậc thang thuế, nhưng khuyến khích được người có đào tạo, có kỹ năng cao sẽ đóng thuế ít đi, để từ đó khuyến khích người lao động có kỹ năng trao dồi kiến thức, nâng cao năng lực để có được thu nhập cao hơn.
Rõ ràng, khi người lao động có thu nhập cao hơn thì khi đó mức thuế thu được sẽ cao hơn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.