Những nội dung cuối cùng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 quốc gia thành viên nhất trí. Hiệp định này sẽ được ký kết vào ngày 8/3/2018.
Các quốc gia thành viên CPTPP hiện đang chiếm 12,9% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và 14,9% thương mại toàn cầu. Bất chấp sự rút lui của Mỹ, Hiệp định này vẫn tương đương Hiệp định Đối tác Kinh tế được ký kết mới đây giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
“Ngày này một năm trước, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận TPP”, ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, nói tại một cuộc họp báo sau hai ngày đàm phán thương mại giữa các nhà đàm phán hàng đầu ở Tokyo và cho biết, Hiệp định CPTPP sẽ được ký tại Chilê vào ngày 8/3 sắp tới. Sau khi được ký kết, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi ít nhất 6 quốc gia phê chuẩn.
"Ngay cả khi Canada rút lui khỏi Hiệp định này, ngày ký kết Hiệp định vẫn sẽ được giữ nguyên và 10 nước sẽ ký kết", ông Toshimitsu Motegi cho biết.
Trong số hơn 1.000 điều khoản trong phiên bản TPP ban đầu khi có Mỹ tham gia, chỉ có 22 điều khoản bị "đóng băng” - không hoạt động nhưng không bị loại bỏ trong Hiệp định CPTPP. Các điều khoản này bao gồm thời gian bảo vệ 8 năm đối với dữ liệu phát triển dược phẩm,... Những quy tắc thương mại hiện đại trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và bảo hộ lao động đã được giữ lại.
Sau khi đạt được thỏa thuận CPTPP cơ bản vào tháng 11/2017, các quốc gia thành viên chủ yếu tiếp tục đàm phán về 4 Điều khoản. Các quy tắc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Malaysia cũng như đầu tư và dịch vụ ở Brunei cuối cùng được thêm vào danh mục các điều khoản đóng băng. Tuy nhiên, cuộc tranh luận trở nên đặc biệt phức tạp đối với hai vấn đề tại các cuộc đàm phán vào ngày 22/1 vừa qua.
Vấn đề đầu tiên là sự quả quyết của Canada về các chính sách ưu đãi để bảo vệ ngành công nghiệp và nội dung văn hóa. Canada coi các nội dung văn hóa của cộng đồng thiểu số nói tiếng Pháp trong nước là rất quan trọng và đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ chúng.
Canada đã phần nào bỏ yêu cầu này trong các cuộc đàm phán khi còn 12 nước thành viên trước cáo buộc của Washington rằng những biện pháp bảo vệ như vậy là rào cản đối với tự do thương mại. Tuy nhiên, Canada ưu tiên sự đa dạng văn hoá và yêu cầu phải khôi phục các quy tắc miễn trừ văn hoá trước các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng vào tháng 11/2017 ở Việt Nam.
Mỗi quốc gia thành viên sẽ cho phép Canada, vốn không có dấu hiệu thay đổi, giữ quyền quản lý và hỗ trợ tài chính đối với ngành văn hóa của nước này và không bị một tòa thương mại trừng phạt thông qua các thỏa thuận riêng biệt.
"Chúng tôi hiểu tình hình trong nước của Canada, nhưng chúng tôi mong đợi họ đồng ý", một đại diện thương mại Nhật Bản cho biết trước cuộc họp tuần này.
Vấn đề thứ hai là Việt Nam sửa đổi Luật lao động theo hướng cho phép người lao động thành lập công đoàn và một số quyền khác. Bởi trước đó, Việt Nam đã nhượng bộ những cải cách lao động quan trọng để tiếp cận thị trường Mỹ khi đàm phán TPP ban đầu.
Mặc dù có những lợi ích cạnh tranh từ mỗi quốc gia, nhưng tất cả các quốc gia đều nhất trí rằng họ không được lãng phí gần 8 năm đàm phán khi đã gần hoàn thành thỏa thuận. Thỏa thuận này đại diện cho tầm quan trọng của thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, luật lệ và là một sự đối trọng với xu hướng hợp tác song phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhật Bản hy vọng CPTPP sẽ được phê chuẩn vào năm 2019, sử dụng cột mốc này để mời Mỹ trở lại và mời các nước khác tham gia.
"Tôi muốn nghĩ đến việc mở rộng CPTPP sau khi thỏa thuận có hiệu lực”, ông Motegi cho biết và nhấn mạnh rằng: Chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích tầm quan trọng của hiệp định này với Mỹ, và chúng tôi hy vọng họ sẽ tham gia lại hiệp định này.
(http://enternews.vn)