Với những kết quả đạt được trong năm nay, các chuyên gia dự đoán kinh tế Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển.
Các doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo - Ảnh: Hùng Lê |
Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2018”, do Câu lạc bộ CEO TPHCM tổ chức vào chiều ngày 7-12 tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, tính đến thời điểm này, nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm 2017.
Bước sang năm 2018, theo ông Kiên, định hướng của Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chất lượng - hiệu quả.
Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu sẽ được định hướng phát triển những mặt hàng có công nghệ trung bình và chuyển dần sang lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chế biến sâu…
Sự tăng trưởng phát triển của doanh nghiệp vẫn còn là vấn đề đặt ra cho những năm tiếp theo nếu Việt Nam muốn phát triển sâu rộng. Do đó, theo ông Kiên, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước; giảm tham nhũng, lợi ích nhóm. Chính sách vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cải thiện môi trường kinh doanh.
Sẽ tăng cường quản lý FDI về bán lẻ Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Kiên, cho biết trong năm tới 2018 Việt Nam sẽ tăng cường quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ để việc mở cửa thị trường nhưng vẫn đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp trong nước. Theo ông Kiên, liên quan lĩnh vực phân phối bán lẻ này, chính sách sẽ không thể ưu đãi cho doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) nhiều hơn doanh nghiệp start- up trong nước. Trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường, lĩnh vực phân phối, bán lẻ luôn là lĩnh vực nhạy cảm và được mở cửa theo lộ trình và Việt Nam đã giữ được một số biện pháp quản lý, kiểm soát nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán lẻ trong nước thời gian quan cho thấy nhận thức của các Bộ, ngành và địa phương về việc mở cửa thị trường còn chưa thống nhất; việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng. Ngoài ra, việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp phân phối FDI chưa hiệu quả... |
Cũng theo ông Kiên, về vấn đề thị trường, một trong những nỗ lực của Việt Nam là đa dạng hoá thị trường, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phòng vệ thương mại cho thị trường nội địa, đồng thời kết nối nhà phân phối với nông dân, hạn chế tình trạng “giải cứu” các mặt hàng nông sản mang tính thời vụ, không bền vững như thời gian qua.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua sửa đổi một số luật như luật đầu tư, đấu thầu, xây dựng… để phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Đáng chú ý, theo ông Kiên với 241 ngành hàng kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, thì sẽ cố gắng giảm tối đa 20-30% số lượng ngành hàng kinh doanh có điều kiện này.
Ngoài ra theo ông Kiên, vào tháng 5 tới, Quốc hội kỳ họp thứ 5 sẽ thông qua ban hành luật về khu hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó sẽ thành lập tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Trong luật đặc khu này, sẽ tạo điều kiện cởi mở tối đa, đảm bảo tính liên thông, với việc ban hành nghị quyết có tính chất đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo hàng rào pháp lý thông thoáng nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển. "Tuy nhiên, chúng tôi không hy vọng sẽ biến 3 khu này thành thiên đường thuế", ông Kiên lưu ý với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, giới phân tích quốc tế cũng đánh giá cao về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và đặt nhiều niềm tin cho sự phát triển của năm tới và những năm tiếp theo. Ngoài ra, cùng với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… đã góp phần tăng xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, cho rằng Việt Nam với nền kinh mở và đang phát triển nhanh, môi trường kinh doanh đã cởi mở ra rất nhiều. Tăng trưởng 2017 của Việt Nam là một năm tương đối tốt, có những tiến bộ trong các lĩnh vực như cải tổ luật pháp, môi trường kinh doanh,... Cùng với kinh tế toàn cầu đang được cải thiện, Việt Nam sẽ vượt qua trở ngại thách thức 2018.
Để thúc đẩy kinh tế Việt Nam, ông Sebastian Eckardt cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thành công như điện, tín dụng, thuế, xuất khẩu… Mặt khác, đầu tư công ở Việt Nam vẫn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, cản trở dòng tiền vào các lĩnh vực đầu tư khác.
Theo chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam hướng vào xuất khẩu, nhiều mặt hàng tăng trưởng nhanh với giá trị lớn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lại phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Theo ông dù tận dụng nguồn vốn FDI, nhưng cần tránh phụ thuộc, mà phải tạo được sự liên kết nguồn lực lao động và doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.
Tại hội thảo, các ý kiến khác còn cho rằng, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị thường, không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được, dẫn đến không ổn định.
Việc nhận diện và đẩy nhanh tốc độ giải quyết các thách thức đối với tăng trưởng nền kinh tế về năng suất lao động, đầu tư chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, ô nhiễm … cũng được các chuyên gia đặt ra.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, kết thúc năm 2017, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần có giải pháp giải quyết trong những năm tiếp theo như sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm và doanh nghiệp nội địa hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ chưa cải thiện được khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng, sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói chung ...
(Theo http://www.thesaigontimes.vn)