Công nghiệp phụ trợ là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Các sản phẩm của công nghiệp phụ trợ cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v., những sản phẩm trung gian, và những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo qui chuẩn do nhà máy lớn yêu cầu. Công nghiệp phụ trợ đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay một vùng. Nó góp phần gia tăng khả năng sản xuất công nghiệp của vùng, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và công nghệ cao, thu hút nhiều lao động, tạo bộ đệm cho nền kinh tế cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh của một quốc gia trong chuỗi phân công lao động toàn cầu.
Theo nhận định của PGS-TS Lê Thế Giới trong báo cáo "Một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp bổ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố Đà Nẵng rất có tiềm năng nhưng còn khá non yếu và phải chịu nhiều cạnh tranh với các địa phương khác. Mặc dù Đà Nẵng hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng những sản phẩm công nghiệp sản xuất tại địa phương chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu mua sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp cần bổ trợ, điều khó khăn đối với họ là tìm ra các nhà cung cấp địa phương có năng lực, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu và đáng tin cậy. Các doanh nghiệp cung ứng tại Đà Nẵng đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và chỉ cung ứng các nguyên vật liệu đơn giản, các dịch vụ đại trà.Theo ý kiến của ông Hà Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường, tại Hội thảo liên kết sản xuất và cung ứng vật tư thiết bị công nghiệp Đà Nẵng ngày 26/6/2013, ở thị trường Đà Nẵng công ty có thể mua được đa số vật tư thông thường, nhưng với vật tư hiếm, số lượng ít, công ty phải mua ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, và chất lượng của các sản phẩm đầu vào do các công ty ở Đà Nẵng cung ứng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của công ty. Khi gặp công trình lớn, công ty phải đặt mua thêm nguyên vật liệu và sản phẩm đầu vào ở các địa phương khác để kịp tiến độ.
Ngoài ra, sản phẩm của các nhà máy công nghiệp phụ trợ là những sản phẩm mang tính đặc thù cao, theo qui chuẩn và yêu cầu thiết kế cụ thể của đơn vị đặt hàng. Do đó, nếu bên đặt hàng gây khó khăn không nhận hàng hoặc gặp khó khăn về tài chính, không thể thanh toán thì các sản phẩm đó rất khó tiêu thụ. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã gặp khó khăn, điêu đứng vì lý do này. Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp trong nước không mặn mà với ngành công nghiệp phụ trợ mà ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Tính đến quý I năm 2014, trong số 286 dự án FDI tại Đà Nẵng có khoảng hơn 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, các phụ liệu ngành may, bao bì thực phẩm, vỏ lon… với tổng vốn đầu tư đạt hơn 520 triệu đô la Mỹ, chiếm 15,8% tổng vốn FDI tại Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ chỉ đầu tư vào Đà Nẵng sau một thời gian khi hoạt động của doanh nghiệp FDI khác tại Đà Nẵng đã ổn định với lượng sản xuất ngày càng mở rộng, tạo ra thị trường cho công nghiệp phụ trợ. Một ví dụ là Công ty TNHH Bao bì nước giải khát Crown Đà Nẵng đã khánh thành nhà máy sản xuất lon và nắp lon nước giải khát tại thành phố Đà Nẵng năm 2013 và trở thành đối tác của Công ty TNHH VBL Đà Nẵng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ đối với sự phát triển của thành phố, trong quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, phát triển công nghiệp phụ trợ được coi là một trong những mũi nhọn phát triển được ưu tiên hàng đầu. Năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định quy định chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ khi đầu tư vào Khu công nghệ cao của Thành phố. Theo đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao được hưởng giá thuê đất ưu đãi, được hỗ trợ 50% tiền sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu kể từ ngày nhận giao đất. Bên cạnh những ưu đãi đó, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Đà Nẵng có thể tiến hành thêm một số giải pháp sau:
- Đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ: Để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tiềm năng nhất, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất trong thời gian tới, thành phố cần có hành lang định hướng mục tiêu cụ thể để quy hoạch các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên phát triển, từ đó có cơ chế chính sách và những giải pháp thúc đẩy phát triển cụ thể.
- Thực hiện các biện pháp ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ (hỗ trợ huy động vốn, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin công nghệ, tham gia triển lãm sản phẩm…). Đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
- Tăng cường liên kết trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ: việc liên kết kinh doanh hình thành chuỗi giá trị đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do đó, cần có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường liên kết kinh doanh như lập cơ sở dữ liệu, danh bạ các doanh nghiệp phụ trợ hoạt động trên địa bàn thành phố; tạo các diễn đàn cho các doanh nghiệp trao đổi, liên kết; hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình...
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các trung tâm đào tạo kinh doanh và công nghệ cũng như các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp phụ trợ cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hồng Hạnh tổng hợp - IPC Danang