Giải ngân hơn 9 tỷ USD vốn FDI
Báo cáo vừa công bố của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu hút FDI 7 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tính đến ngày 20/7/2017, cả nước có 1.378 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 12,92 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 677 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,87 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2016 và 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,12 tỷ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, tính chung trong 7 tháng năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, tính đến ngày 20/7/2017, các dự án FDI đã giải ngân được 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, thu hút được 10,83 tỷ USD, chiếm 49,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, thu hút được 5,25 tỷ USD, chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân khiến thu hút FDI 7 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do có sự xuất hiện của nhiều dự án FDI đăng ký mới có giá trị lên đến hàng tỷ USD. Điển hình như Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; Dự án Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1; Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn...
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư cũng được đánh giá đang có những cải thiện mạnh mẽ, theo hướng công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường. Đặc biệt, việc quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi được cấp phép, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến chính sách thuế, hải quan, đất đai... cũng là một trong những điểm cộng để giữ chân nhà đầu tư cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư mới.
Giới chuyên gia dự báo, vốn FDI vào Việt Nam những tháng còn lại của năm 2017 có thể sẽ vẫn tăng bất chấp kinh tế trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức. Thu hút FDI năm 2017 của Việt Nam có thể sẽ đạt đến con số 30 tỷ USD và vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 18 tỷ USD. Kết quả này có được nhờ các chính sách mở cửa trong thu hút FDI và những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết.
Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, dự báo của các chuyên gia hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Tín hiệu tích cực là hiện có một số nhà đầu tư với các dự án FDI lớn đang xem xét đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là các dự án trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
(baodauthau.vn)