Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
2. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Người đăng tin: Quản trị Ngày đăng tin: 25/03/2024 Lượt xem: 38


(Quét mã QR code để biết thêm thông tin chi tiết)

  • Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại công ty nào?

Theo quy định về thành lập tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài tại điểm b khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020.

- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là tổ chức nước ngoài, khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế (tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020).

Đồng thời theo quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Điều 20, 21 và 22 Luật Doanh nghiệp 2020 đối với các loại hình sau công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, đã có quy định cụ thể trong hồ sơ thành lập phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, nếu tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam có thể thành lập doanh nghiệp với loại hình công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

  • Thủ tục thành lập các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?

- Hồ sơ thành lập doanh nghiệp:

+ Công ty hợp danh: thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính Phủ ("Nghị định 01/2021/NĐ-CP");

+ Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần: thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP;

+ Công ty TNHH một thành viên: thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

- Quy trình nộp hồ sơ

+ Nộp trực tiếp tại quầy 15, 16, 17 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng (24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

+ Nộp thông qua mạng điện tử tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (http://dangkykinhdoanh.gov.vn)

- Cơ quan xử lý: Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Đà Nẵng.

- Thời gian xử lý: 03 ngày làm việc.

- Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Một số lưu ý:

+ Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài, bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

+ Hộ chiếu Người đại diện pháp luật/đại diện theo ủy quyền sao y công chứng và dịch tiếng việt.

+ Đối với chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức kèm theo Danh sách Người đại diện theo pháp luật hoặc Người đại diện theo ủy quyền Phụ lục I-10 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

  • Điều kiện thành lập công ty cổ phần là gì?

Điều kiện

Nội dung cụ thể

Chủ thể
thành lập

- Thành lập công ty cổ phần phải có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập, không giới hạn số lượng tối đa. Theo đó, trong suốt quá trình hoạt động, công ty cổ phần luôn phải có tối thiểu 03 cổ đông (điểm b khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân (điểm b khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).

Tên công ty

- Tên tiếng Việt của công ty phải bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây (Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020):

+ Loại hình doanh nghiệp: được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”.

+ Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

- Trước khi đăng ký tên công ty, nên tham khảo tên của các doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Vốn điều lệ

Hiện tại, không có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu phải góp khi thành lập doanh nghiệp; trừ một số trường hợp mà pháp luật có quy định doanh nghiệp phải đảm bảo số vốn tối thiểu để hoạt động trong ngành, nghề đó, vui lòng tham khảo: Một số ngành, nghề yêu cầu về vốn khi đăng ký kinh doanh.

Ngành, nghề
kinh doanh

- Công ty lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính Phủ để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm Pháp luật đó. 

- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Đồng thời, thông báo cho Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

Đối với ngành nghề kinh doanh có điệu kiện:

Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là một trong các nội dung quan trọng được đề cập tại Luật Đầu tư 2020. Theo đó, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

 

  • Khi thành lập Công ty TNHH 1 thành viên cần lưu ý điều gì?

Lưu ý

Nội dung cụ thể

Đặt tên

- Tên tiếng Việt của Công ty TNHH 1 thành viên phải bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

+ Loại hình doanh nghiệp: được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”.

+ Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

- Trước khi đăng ký tên công ty, nên tham khảo tên của các doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký theo quy định của Pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.

- Không được đặt tên Công ty TNHH 1 thành viên (cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài), tên viết tắt của công ty trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên, tên viết tắt của doanh nghiệp khác; trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Các trường hợp bị coi là có tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định cụ thể tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Đồng thời, lưu ý các trường hợp tên doanh nghiệp không được xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính Phủ.

Trụ sở

Trụ sở chính của Công ty TNHH 1 thành viên đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của công ty và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Ngành, nghề
kinh doanh

- Công ty TNHH 1 thành viên lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính Phủ để ghi ngành, nghề kinh doanh.

Nếu có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn, công ty lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trước; Sau đó, ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết đó phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Khi đó, ngành, nghề kinh doanh của Công ty TNHH 1 thành viên là ngành, nghề kinh doanh chi tiết đã ghi.

- Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm Pháp luật đó.

- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Đồng thời, thông báo cho Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

Vốn điều lệ

Hiện tại, không có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu phải góp khi thành lập Công ty TNHH 1 thành viên; trừ một số trường hợp mà pháp luật có quy định doanh nghiệp phải đảm bảo số vốn tối thiểu để hoạt động trong ngành, nghề đó.

  • Ưu và nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn là gì?

- Đối với Công ty TNHH một thành viên

+ Ưu điểm:

  • Chủ đầu tư có thể là cá nhân hoặc tổ chức (mở rộng đối tượng hơn doanh nghiệp tư nhân);
  • Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty;
  • Có tư cách pháp nhân nên chủ đầu tư chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ, vì vậy hạn chế được rủi ro khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Có thể huy độn vốn thông qua việc phát hành trái phiếu.

+ Nhược điểm:

  • Khi góp vốn, chủ sở hữu phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho công ty, do đó, làm hạn chế khả năng sử dụng tài sản góp vốn của chủ đầu tư;
  • Không được huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu, vì vậy công ty sẽ không có nhiều vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh có quy mô lớn;
  • Nếu có nhu cầu huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác, sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

- Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên

+ Ưu điểm:

  • Số lượng thành viên không quá ít cũng không quá nhiều (từ 02 - 50 thành viên) và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty dễ dàng hơn, không quá phức tạp như công ty cổ phần;
  • Có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp đã góp nên ít gây rủi ro;
  • Điều kiện chuyển nhượng vốn chặt chẽ nên các chủ sở hữu dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.

+ Nhược điểm:

  • Việc huy động vốn bị hạn chế do không được phát hành cổ phiếu, do đó bị hạn chế về quy mô và khả năng mở rộng các lĩnh vực ngành nghề;
  • Bị giới hạn đến 50 thành viên nên có thể sẽ bị bỏ lỡ một số cơ hội từ các nhà đầu tư khác;
  • Thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác nên uy tín với đối tác sẽ bị ảnh hưởng.
  • Ưu và nhược điểm của công ty trách nhiệm cổ phần là gì?

- Ưu điểm:

+ Các cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ, các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro không cao;

+ Khả năng huy động vốn rất cao thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng. Đây là đặc điểm riêng biệt chỉ công ty cổ phần có;

+ Công ty không hạn chế số lượng cổ đông và có thể huy động vốn cả trên thế giới. Do vậy, công ty cổ phần có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất;

+ Cổ đông có thể dễ dàng, tự do chuyển nhượng, mua bán, thừa kế cổ phần thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán;

+ Quy mô hoạt động lớn và khả năng mở rộng kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề;

+ Việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao do tính độc lập giữa quản lý và sở hữu;

+ Được tính lương thưởng của các cổ đông góp vốn tại các vị trí quản lý vào chi phí hoạt động công ty để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp;

+ Mọi quyết định trong việc kinh doanh được thu thập ý kiến của các cổ đông nên rất minh bạch trong quản lý, điều hành.

- Nhược điểm:

+ Việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích;

+ Khả năng bảo mật kinh doanh và tài chính bị hạn chế do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông;

+ Việc quản lý, điều hành công ty cổ phần cũng phức tạp hơn đặc biệt là chế độ tài chính, kế toán.

  • Ưu và nhược điểm của công ty hợp danh là gì?

- Ưu điểm

+ Công ty hợp danh kết hợp uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh. Thành viên hợp danh thường là những cá nhân có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp cao. Do đó, Công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy cho các đối tác kinh doanh.

+ Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít.

+ Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, dễ quản lý. Thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

+ Ngân hàng dễ cho vay vốn và hoãn nợ hơn do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh.

+ Có tư cách pháp nhân (khoản 2 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020) nên công ty hợp danh được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Việc này đem lại cho doanh nghiệp sự ổn định đời sống pháp luật, pháp nhân không gặp phải những thay đổi bất ngờ như thể nhân, hoạt động pháp nhân kéo dài và không bị ảnh hưởng bởi những biến cố xảy ra với thành viên.

- Nhược điểm

+ Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn (điểm đ khoản 2 Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020) nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh rất cao.

+ Các thành viên hợp danh cùng là người đại diện theo pháp luật của công ty và cùng tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty (khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020) nên nếu không thống nhất được ý kiến sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

+ Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào (khoản 3 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020). Do đó, việc huy động vốn của công ty sẽ bị hạn chế. Các thành viên sẽ tự bỏ thêm tài sản của mình hoặc tiếp nhận thêm thành viên mới.

+ Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại (khoản 1 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020).

+ Thành viên hợp danh rút khỏi công ty vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 02 năm (khoản 5 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020).

+ Công ty hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân nên dù có tư cách pháp nhân nhưng công ty hợp danh không độc lập trong việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty.

  • Hồ sơ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp?

Sau khi có văn bản chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của Cơ quan đăng ký đầu tư:

- Trường hợp thay đổi đăng ký doanh nghiệp do chuyển đổi loại hình doanh nghiệp: Hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 26 Nghị định 01/2021 ngày 04/01/2021 của Chính Phủ.

- Trường hợp thay đổi đăng ký doanh nghiệp do thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp: Hồ sơ thực hiện theo quy định tại Điều 51 Nghị định 01/2021 ngày 04/01/2021 của Chính Phủ.

- Trường hợp thay đổi đăng ký doanh nghiệp do thay đổi thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Nghị định 01/2021 ngày 04/01/2021 của Chính Phủ.

- Trường hợp thay đổi đăng ký doanh nghiệp do thay đổi chủ sở hữu Công ty TNHH Một thành viên: Hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định 01/2021 ngày 04/01/2021 của Chính Phủ.

  • Điểm khác nhau giữa chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

 

Tiêu chí

Chi nhánh

Văn phòng đại diện

Địa điểm kinh doanh

Khái niệm

Là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020).

Là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020).

Là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể (khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020).

Chức năng kinh doanh

Có.

Không.

Có.

Ngành nghề kinh doanh

Được đăng ký tất cả các ngành nghề mà trụ sở chính đã đăng ký

Chỉ được đại diện theo ủy quyền

Được đăng ký một số ngành nghề mà trụ sở chính đã đăng ký.

Địa điểm

Có thể đặt khác tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, có thể được thành lập trong nước và nước ngoài. (khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020)

Có thể đặt khác tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, có thể được thành lập trong nước và nước ngoài. (khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020)

Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh (điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Con dấu, giấy phép hoạt động

- Có con dấu riêng (khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020);

- Có giấy chứng nhận hoạt động riêng.

- Có con dấu riêng (khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020);

- Có giấy chứng nhận hoạt động riêng.

- Không có con dấu riêng.

- Có Giấy chứng nhận hoạt động riêng.

Về đặt tên

Tên Chi nhánh phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh (Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020)

Tên văn phòng đại diện phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện (Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020)

Không bắt buộc phải để tên doanh nghiệp khi đặt tên cho địa điểm kinh doanh (Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020)

Ký kết hợp đồng;

xuất hóa đơn

- Được phép ký hợp đồng kinh tế;

- Được phép sử dụng và xuất hóa đơn.

- Không được đứng tên trên hợp đồng kinh tế;

- Không được đăng ký, sử dụng hóa đơn.

- Không được đứng tên trên hợp đồng kinh tế;

- Không được đăng ký, sử dụng hóa đơn.

Nghĩa vụ thuế

- Có mã số thuế riêng 13 số trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (khoản 5 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP);

- Hạch toán độc lập (phải có hóa đơn riêng)  hoặc hạch toán phụ thuộc.

 

- Có mã số thuế riêng 13 số trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (khoản 5 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP);

- Không được đăng ký, sử dụng hóa đơn

- Kê khai thuế độc lập với công ty tại cơ quan thuế nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện quản lý;

- Hạch toán phụ thuộc.         

- Không có mã số thuế riêng (khoản 6 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP);

- Địa điểm cùng tỉnh với trụ sở chính: Trụ sở chính kê khai và nộp thuế;

- Địa điểm khác tỉnh với trụ sở chính: đăng ký mã số thuế phụ thuộc và kê khai tại Cục thuế địa phương;

- Hạch toán phụ thuộc.

Các loại thuế, phí phải nộp

- Lệ phí môn bài;

- Thuế Giá trị gia tăng;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Thuế thu nhập cá nhân.

- Thuế thu nhập cá nhân.

- Lệ phí môn bài.

Thủ tục thành lập

Hồ sơ thành lập theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Hồ sơ thành lập theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Hồ sơ thành lập theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh

- Phải thực hiện các thủ tục thay đổi về thuế;

- Gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh (Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

- Phải thực hiện các thủ tục thay đổi về thuế;

- Gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt văn phòng đại diện (Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

- Chỉ phải thực hiện thủ tục gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh (Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Mục đích thành lập

Doanh nghiệp có nhu cầu mở một cơ sở kinh doanh nhiều lĩnh vực, có thể ký hợp đồng, xuất hóa đơn cho khách hàng; cơ sở hoạt động ở các tỉnh thành phố khác với tỉnh thành phố nơi đặt trụ sở chính của công ty.

Doanh nghiệp muốn thăm dò nghiên cứu thị trường, giám sát việc vi phạm thương hiệu, không kinh doanh tại cơ sở này của mình tại các tỉnh thành phố nơi không đặt trụ sở chính mà không phát sinh nhu cầu kinh doanh.

Doanh nghiệp có nhu cầu muốn mở một cơ sở kinh doanh chuyên biệt một lĩnh vực, muốn lựa chọn thủ tục và hoạt động đơn giản, cơ sở hoạt động trong cùng tỉnh/thành phố nơi trụ sở chính của của công ty.

 

  • Có được đăng ký một địa chỉ trụ sở của hai hay nhiều doanh nghiệp không?

Theo quy định tại Điều 42 và các quy định khác tại Luật doanh nghiệp 2020, pháp luật không có quy định cấm hai hay nhiều công ty được đăng ký cùng một địa điểm là trụ sở chính, chỉ cần đây là địa điểm chính xác và thực sự là trụ sở chính của 2 hay nhiều doanh nghiệp này. Ví dụ trường hợp cả hai công ty cùng thuê văn phòng làm việc tại một tòa nhà, cùng một tầng, doanh nghiệp phải ghi rõ địa chỉ thuộc số mấy tại tầng đó hay ký hiệu tại nơi doanh nghiệp này làm việc được đánh dấu khác với công ty còn lại như thế nào.

Khi thực hiện đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh, công ty phải chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ liên quan trong đó có giấy tờ về xác nhận địa kinh doanh. Lúc này các công ty có thể căn cứ vào hợp đồng thuê nhà hay văn phòng nơi mình đặt trụ sở chính đó. Như vậy mỗi công ty sẽ phải có một hợp đồng thuê khác nhau, điều này thể hiện rõ việc thuê địa điểm này của hai công ty là khác nhau.

Như vậy, vì quy định pháp luật không hạn chế việc 02 hay nhiều công ty đăng ký trụ sở kinh doanh cùng một địa điểm nên 02 công ty vẫn có thể đăng ký một địa điểm làm trụ sở chính cho mình.

  • Thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp?

- Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp: thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

- Thay đổi tên doanh nghiệp: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

- Thay đổi thành viên hợp danh: thực hiện theo theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

- Thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH, Công ty Cổ phần: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

- Một số lưu ý:

+ Trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở chính khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan theo quy định của pháp luật về thuế.

+ Việc thay đổi tên doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và Mã số doanh nghiệp giữ nguyên.

+ Các Quyết định của Chủ sở hữu công ty là tổ chức ký và đóng dấu (nếu có)

của Công ty ở nước ngoài.

+ Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi (khoản 2 Điều 30 Luật doanh nghiệp).

 

  • Doanh nghiệp chế xuất là gì? Đặc điểm của doanh nghiệp chế xuất?

Theo khoản 20, 21 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 26/5/2022 của Chính Phủ, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó, hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.

Khu vực hoạt động của doanh nghiệp chế xuất được quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

- Đặc điểm của doanh nghiệp chế xuất

+ Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa tiêu dùng với mục đích xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

+ Doanh nghiệp chế xuất phải thuộc khu chế xuất.

+ Tất cả hàng hóa do doanh nghiệp chế xuất phải được xuất ra nước ngoài.

+ Muốn trở thành doanh nghiệp chế xuất doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan Hải quan.

+ Doanh nghiệp chế xuất có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển của các quốc gia và vùng lãnh thổ.

  • Thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất?

Căn cứ khoản 1 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 26/5/2022 của Chính Phủ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất được quy định như sau:

(1) Trường hợp thành lập doanh nghiệp chế xuất đồng thời với thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

- Nhà đầu tư nộp bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. 

- Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(2) Trường hợp thành lập doanh nghiệp chế xuất không đồng thời với thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

- Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt doanh nghiệp chế xuất, hồ sơ gồm:

+ Các tài liệu về dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

+ Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 

- Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trên đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

(3) Trường hợp dự án đầu tư của nhà đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư

- Nhà đầu tư nộp bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cùng với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

- Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư:

+ Không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

+ Ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Theo quy định tại Điều 39 Luật Đầu tư 2020 

  • Thời điểm áp dụng chính sách ưu đãi của doanh nghiệp chế xuất?

Căn cứ Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 26/5/2022 của Chính Phủ quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, theo đó, bên cạnh mục tiêu đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất được ghi tại Giấy chứng nhận, để được hưởng chính sách về thuế áp dụng đối với khu phi thuế quan, đơn vị cần được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước khi chính thức đi vào hoạt động. Điều này được quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính Phủ. Sau khi kiểm tra xong và xác nhận đáp ứng đủ điều kiện, đơn vị mới hưởng chính sách ưu đãi của khu phi thuế quan được.

  • Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp?

1. Chuyển đổi công ty TNHH thành CTCP

- Doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Công ty TNHH chuyển đổi thành CTCP theo phương thức sau (Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020):

+ Chuyển đổi thành CTCP mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác.

+ Chuyển đổi thành CTCP bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn.

+ Chuyển đổi thành CTCP bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác.

+ Kết hợp các phương thức trên và phương thức khác.

- Công ty phải đăng ký chuyển đổi trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

2. Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH MTV (Điều 203 Luật Doanh nghiệp 2020)

- Công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty TNHH MTV theo phương thức sau:

+ Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại.

+ Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty.

+ Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi công ty chỉ còn lại 01 cổ đông hoặc hoàn thành việc chuyển nhượng theo các phương thức nêu trên, công ty phải gửi hồ sơ chuyển đổi đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.

3. Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH hai thành viên trở lên (Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2020)

- CTCP có thể chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên theo phương thức sau:

+ Chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.

+ Chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn.

+ Chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn.

+ Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông.

+ Kết hợp phương thức trên và các phương thức khác.

- Công ty phải đăng ký chuyển đổi trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

4. Chuyển đổi công ty tư nhân thành công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh (Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020)

Công ty tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện để cấp GCN đăng ký kinh doanh:

+ Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.

+ Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 37, 38, 39 và 41 Luật Doanh nghiệp 2020.

+ Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.

+ Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Lưu ý:

- Đối với các trường hợp công ty TNHH chuyển đổi thành CTCP; CTCP chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, HĐLĐ và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

- Đối với chuyển đổi công ty tư nhân thành công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh, công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp. Chủ công ty tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp.

  • Sau khi thành lập công ty cần làm những gì?

Những  việc mà công ty cần làm sau khi thành lập bao gồm:

- Đăng công bố thành lập doanh nghiệp (Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Treo biển tên công ty (khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Kê khai và nộp lệ phí môn bài. Hiện nay, các doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc sản xuất – kinh doanh theo Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính Phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính Phủ Tuy nhiên, công ty vẫn cần nộp tờ khai lệ phí môn bài.

- Đăng ký và kích hoạt chữ ký số điện tử (USB Token). (Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ)

- Mở tài khoản ngân hàng, đăng ký khai và nộp thuế điện tử.

- Đăng ký mua và phát hành hóa đơn điện tử.

- Lựa chọn phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT).

- Tổ chức bộ máy kế toán (Điều 1 và Điều 2 của Luật kế toán 2015)


Không có bài viết với định danh trên

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng