(Quét mã QR Code để biết thêm thông tin chi tiết)
- Trong trường hợp nhà đầu tư đã có đất thuộc quyền sử dụng đất của mình, nhà đầu tư cần thực hiện những bước nào để chuẩn bị đầu tư dự án tại Đà Nẵng?
Bước 1: Trong trường hợp cần thiết, Nhà đầu tư đề xuất nhu cầu đầu tư gửi văn bản đề xuất cho Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư.
Bước 2: Bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (nếu có).
Bước 3: Thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có).
Bước 4: Trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
Bước 5: Thực hiện các thủ tục khác có liên quan sau khi được chấp thuận nhà đầu tư (lập quy hoạch, thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép xây dựng, phòng cháy và chữa cháy...)
- Trong trường hợp nhà đầu tư chưa có đất thuộc quyền sử dụng đất của mình, nhà đầu tư cần thực hiện những bước nào để chuẩn bị đầu tư dự án tại Đà Nẵng?
Bước 1: Đề xuất nhu cầu đầu tư
Nhà đầu tư gửi Văn bản đề xuất đến Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trong đó xác định cụ thể nhu cầu đầu tư, địa điểm đầu tư đề nghị thành phố xem xét.
Bước 2: Xác định địa điểm đầu tư/ Giới thiệu địa điểm đầu tư thực hiện dự án
Trên cơ sở kết quả làm việc với nhà đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện đề xuất sơ bộ dự án gửi về Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư.
+ Đối với các dự án đã có trong danh mục quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất và danh mục dự án có sử dụng đất, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất để được hướng dẫn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định.
+ Đối với các dự án chưa có trong danh mục quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất và danh mục dự án có sử dụng đất, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cung cấp nhà đầu tư quan tâm các vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển dự án. Nhà đầu tư trên cơ sở này, sẽ thực hiện khảo sát với sự hỗ trợ của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đề xem xét nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án.
Bước 3: Thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư
Trong TH thống nhất với vị trí được giới thiệu, trên cơ sở tham mưu của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, UBND thành phố giao cơ quan chuyên môn/UBND các quận huyện (hoặc Ban quản lý dự án) lập các thủ tục có liên quan để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo một trong hai hình thức sau:
+ Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai
+ Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu (gồm: đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đấu thầu theo pháp luật xã hội hóa,...).
Bước 4: Thực hiện các thủ tục khác có liên quan sau khi được chấp thuận nhà đầu tư (ký hợp đồng dự án đấu thầu sử dụng đất, giải tỏa đền bù sau đấu thầu, lập quy hoạch, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép xây dựng, phòng cháy và chữa cháy...).
- Các hình thức nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam?
Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư bao gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam bằng cách lựa chọn những hình thức được nêu trên.
- Các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài?
Căn cứ Điều 9 Luật Đầu tư 2020, các điều kiện đối với với nhà đầu tư nước ngoài:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài áp dụng trong các trường hợp: (i) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (ii) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế; (iii) Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh; (iv) Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác; (v) Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, phân ngành khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, phân ngành đó.
- Trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh (GPKD) cùng lúc với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được không?
Thành phần hồ sơ xin cấp GPKD yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện thủ tục xin cấp GPKD.
- Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, quy định của pháp luật?
Ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính Phủ. Vui lòng xem chi tiết tại Cổng Thông tin Quốc gia về đầu tư.
Ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Mục B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính Phủ. Vui lòng xem chi tiết tại Cổng Thông tin Quốc gia về đầu tư.
- Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp?
Theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Để thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, theo quy định tại Điều 66 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính Phủ hướng dẫn Luật Đầu tư ("Nghị định 31/2021/NĐ-CP"):
- Trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư 2020, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Phòng Đăng ký kinh doanh thành phố Đà Nẵng.
- Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
+ Hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
+ Cơ quan xử lý: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng.
+ Thời gian xử lý: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
+ Kết quả: Thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức kinh tế có phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?
Theo quy định tại điểm a, c Khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Trình tự thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư?
Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính Phủ quy định như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư đăng tải bản mềm 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 lên Hệ thông thống tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để lấy mã số hồ sơ.
Bước 2: Sau khi có mã số hồ sơ, nhà đầu tư nộp bản cứng (bản gốc) 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đó tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng (Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Lưu ý: Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Vui lòng truy cập website Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để biết thêm chi tiết.
- Trình tự thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?
- Hồ sơ thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính Phủ ("Nghị định 31/2021/NĐ-CP") và Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ("Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT").
- Thời gian thực hiện: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Cách thức thực hiện: Trước khi nộp hồ sơ giấy tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng (Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), Nhà đầu tư kê khai trực tuyến tại website http://fdi.gov.vn.
- Các trường hợp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thường gặp:
+ Điều chỉnh mục tiêu dự án: Thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT.
+ Điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án: Thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT.
+ Điều chỉnh tổng vốn đầu tư: Thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT.
+ Điều chỉnh thời gian hoạt động dự án: Thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT.
Một số lưu ý:
+ Kèm theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh, doanh nghiệp nộp báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Mục tiêu dự án đăng ký điều chỉnh bổ sung không thuộc danh mục ngành cấm kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 và không thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
+ Hợp đồng thuê nhà/ văn phòng để thực hiện dự án phải có các thông tin sau: Địa chỉ thuê phải ghi cụ thể vị trí thuê (số tầng, số phòng...); Mục đích thuê; Diện tích thuê; Thời gian thuê.
+ Chỉ được phép thực hiện điều chỉnh thời gian hoạt động của dự án khi dự án còn thời gian hoạt động.
- Thẩm quyền tiếp nhận, cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?
- Dự án thuộc thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đầu tư 2020 và khoản 2 Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính Phủ, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng sẽ cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau:
- Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
- Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
- Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Dự án thuộc thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
Căn cứ khoản 3 Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Lưu ý: Đối với dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư 2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cơ quan đăng ký đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho toàn bộ dự án (khoản 6 Điều 35 Luật Đầu tư 2020).
- Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư
Theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật Đầu tư 2020, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tức Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng hoặc Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tùy vào dự án, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật Đầu tư 2020 hồ sơ được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư cần thực hiện báo cáo nào gửi cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư?
- Báo cáo trực tuyến: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 72 Luật Đầu tư 2020 quy định về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam, hằng quý, hằng năm, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn về tình hình thực hiện dự án đầu tư và báo cáo được thực hiện trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, website: http//fdi.gov.vn.
- Báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện dự án: Căn cứ khoản 8 Điều 100 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, Nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án các loại báo cáo sau: Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm; Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án; Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có).
+ Thời gian nộp báo cáo: Báo cáo 6 tháng: gửi trước ngày 10/7 của năm báo cáo; Báo cáo hàng năm: gửi trước ngày 10/2 năm sau.
+ Cơ quan tiếp nhận báo cáo: Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng.